Multimedia Đọc Báo in

Trẻ 2 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five

19:12, 12/07/2019

Ngày 11-7, một bé trai 2 tháng tuổi ở huyện Cư M’gar đã tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBe Five.

Trường hợp tử vong là bé Trần Hoàng Anh, sinh ngày 3-5-2019, ở thôn 1, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar. Khoảng 8h00 sáng ngày 11-7, cháu bé được người nhà đưa đến tiêm vắc xin ComBe Five mũi 1 tại Trạm Y tế xã Ea Tar. Đến 18 giờ 40 phút cùng ngày, gia đình phát hiện bé có dấu hiệu tím tái, thở nấc. Sau đó bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột) trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái toàn thân, tim ngừng đập. Sau khi tiến hành cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp tử vong của bé Trần Hoàng Anh, Sở Y tế đã thành lập Đội điều tra phản ứng nặng sau tiêm chủng khẩn trương làm rõ nguyên nhân tử vong của trẻ sau khi tiêm vắc xin ComBe Five. Đồng thời thông báo đến các cơ sở tiêm chủng trong toàn tỉnh tạm ngưng sử dụng lô vắc xin ComBe Five (số lô 220110618C, hạn dùng 31-3-2021) đã dùng để tiêm cho bé Trần Hoàng Anh.

Được biết, kết quả điều tra ban đầu cho thấy: Trong ngày 11-7, vắc xin ComBe Five được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn tỉnh cùng một số lô và không ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nào khác ngoài trường hợp của bé Trần Hoàng Anh; cháu bé đến trạm y tế được tư vấn, khám sàng lọc đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tiêm chủng; vắc xin bảo đảm độ an toàn, nhiệt độ bảo quản vắc xin tại Trạm Y tế xã Ea Tar thời điểm kiểm tra là 5oC; 4 cán bộ y tế tham gia tiêm chủng trong buổi sáng 11-7 đều được tập huấn về công tác tiêm chủng theo đúng quy định; cháu bé được theo dõi khoảng 2 giờ sau tiêm vắc xin tại trạm y tế và không có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.