Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm

21:13, 29/11/2019

Chiều ngày 29-11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức Hội nghị “Kết nối sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp của 20 tỉnh, thành phố.

ảnh
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phát biểu khai mạc hội nghị

Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có những kết quả vượt bậc cả về số lượng và chất lượng sản phẩm tham gia chương trình; từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng quê gắn với bảo tồn văn hóa và đặc trưng của mỗi vùng miền. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.749 sản phẩm; tổng nguồn lực huy động dự kiến đạt gần 9.583 tỷ đồng. Hiện đã có 9 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 470 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 5 sao; 3 sản phẩm đề xuất 5 sao; 160 sản phẩm 4 sao; 308 sản phẩm 3 sao.

ảnh
Các đại biểu tham gia hội nghị

Riêng tỉnh Đắk Lắk, phấn đấu tiêu chuẩn hóa 84 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh hiện có và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh; chứng nhận 1 - 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10 - 12 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh; hằng năm mỗi huyện có ít nhất 3 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo OCOP. Theo đó, tỉnh đã triển khai kế hoạch định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất phát triển, cải tiến sản phẩm, hàng hóa dịch vụ theo hướng ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của thị trường.

ảnh
Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm OCOP được trưng bày tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về những yêu cầu của thị trường đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng vùng miền; kinh nghiệm xây dựng, phát triển thương hiệu; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới thị trường xuất khẩu…

ảnh
Đại diện Sở Công thương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển sản xuất và kết nối  tiêu thụ sản phẩm OCOP

Nhân dịp này, đại diện Sở Công thương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển sản xuất và kết nối  tiêu thụ sản phẩm OCOP. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đại Hưng Phát cũng đã ký biên bản ghi nhớ việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào các điểm bán với 13 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.