Multimedia Đọc Báo in

Xử lý hơn 3.600 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

15:04, 17/02/2020

Ngày 17-2, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã họp tổng kết công tác năm 2019; triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo Ban Chỉ đạo 389, năm 2019, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 3.616 vụ vi phạm, tổng số tiền thu qua xử lý trên 125,6 tỷ đồng. So với năm 2018, số vụ vi phạm giảm 81 vụ, số tiền thu qua xử lý giảm 1,5 tỷ đồng.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Ban Chỉ đạo 389 đánh giá, nhận thức về việc chấp hành pháp luật của các đối tượng kinh doanh đã có chuyển biến tích cực, quyền và lợi ích của người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng vẫn xảy ra trên thị trường; phương thức, thủ đọan hoạt động của gian thương phức tạp và tinh vi hơn; trong khi đó, việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng có lúc vẫn chưa được thường xuyên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chồng chéo, chưa đồng bộ…

Phó
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu, thời gian đến Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán trái phép các mặt hàng dự báo có sức tiêu thụ lớn như phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; chú trọng kiểm tra các mặt hàng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc, trang thiết bị bảo vệ sức khỏe, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do Covid-19. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và triển khai có hiệu quả các hình thức tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời đưa tin, bài công khai về kết quả xử lý, các vụ việc điển hình trên các phương tiện truyền thông đại chúng...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.