Multimedia Đọc Báo in

Công bố Chỉ số Cải cách hành chính 2019: Đắk Lắk xếp thứ 50, giảm 7 bậc so với năm 2018

17:00, 19/05/2020
Sáng 19-5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo Bộ Nội vụ và đại diện các bộ, ngành liên quan. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 các bộ tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, gồm 3 đơn vị; nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018 (giá trị trung bình năm 2018 là 82,68%). Năm 2019 không có bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95,40%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 80,53%. 16/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018.

Chỉ số CCHC năm 2019 của các tỉnh, thành phố có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, tăng 4,23% so với giá trị trung bình năm 2018 (76,92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Trong đó, nhóm A, đạt chỉ số từ 90% trở lên gồm 1 tỉnh; nhóm B, đạt chỉ số từ 80% đến dưới 90% gồm 43 tỉnh, thành phố; nhóm C, đạt chỉ số từ 70% đến dưới 80% gồm 19 tỉnh, thành phố. Quảng Ninh là địa phương duy nhất thuộc nhóm A, đứng đầu bảng xếp hạng với tổng điểm đạt 90,09%; xếp cuối cùng là Bến Tre với tổng điểm 73,87%.

Đắk Lắk xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 79,53% điểm tổng hợp, so với năm 2018 tăng 4,1% nhưng lại giảm 7 bậc trong bảng xếp hạng. Trong đó, điểm thẩm định: 49,01%; Chỉ số SIPAS: 7,54%; khảo sát lãnh đạo quản lý: 17,16%; tác động đến phát triển kinh tế - xã hội: 5,82%. 

Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 thể hiện những nỗ lực CCHC của các cấp, các ngành, địa phương trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên tại một số bộ, ngành, địa phương, công tác CCHC chưa được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu; việc ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại một số nơi còn chậm; việc xin lỗi người dân tổ chức khi chậm trễ trong giải quyết TTHC chưa được thực hiện nghiêm túc; kỷ cương, kỷ luật hành chính còn lỏng lẻo; hiệu quả khai thác dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 chưa cao. 

Đồng chí nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt đạt được trong CCHC. Phải đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác CCHC chính là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy chuyển biến vai trò quản lý nhà nước làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội…
 
Lan Anh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.