Quốc hội thảo luận, tiếp thu các ý kiến góp ý dự án luật và dự thảo nghị quyết
Ngày 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến các dự án luật gồm: Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều (tăng 1 chương (Chương III – Nơi cư trú) và tăng 1 điều so với Luật Cư trú hiện hành; trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ 8 điều, chỉnh lý 24 điều). Dự thảo luật sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin; trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương và bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú.
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh:quochoi.vn |
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề để bảo đảm tính khả thi của quy định: cần có giải pháp cụ thể để bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra (dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam). Khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân. Chính vì vậy cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Cần cân nhắc thận trọng việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh:quochoi.vn |
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, một số các đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể trong việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng; cân nhắc sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm đáng kể thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; phân loại các cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng…
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Trong ngày, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu HĐND khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở thành phố; quy hoạch thành phố phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc