Multimedia Đọc Báo in

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm việc với tỉnh Đắk Lắk

21:37, 15/09/2020
Chiều 15-9, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk. 
 
Tiếp và làm việc với Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh.
 
Các đại biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.Gia
 
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2020, công tác đối ngoại, công tác biên giới của tỉnh. 
 
Trong 8 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, song Đắk Lắk đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tình hình xã hội được duy trì ổn định, hoạt động kinh tế dần phục hồi trở lại, bảo đảm đời sống của người dân. 
 
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương theo đúng các định hướng đối ngoại của Trung ương. Việc giao lưu quốc tế được đẩy mạnh, bên cạnh việc chú trọng củng cố quan hệ với địa phương các nước láng giềng truyền thống hữu nghị như Mondulkiri (Campuchia), 4 tỉnh Nam Lào, tỉnh đã thiết lập quan hệ mới với địa phương các nước khác như: tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), tỉnh Orkhon (Mông Cổ), thành phố Goulburn (Úc); hiện đang xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác giữa thành phố Buôn Ma Thuột với thành phố Sakai (Nhật Bản), thành phố Nonsan (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc), mở rộng quan hệ giữa Hội đồng nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk và Jeollabuk.
 
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin về tình hình công tác quản lý biên giới của tỉnh
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin về tình hình công tác quản lý biên giới của tỉnh. Ảnh: H.Gia
 
Các hoạt động ngoại giao kinh tế của tỉnh Đắk Lắk được tiến hành một cách chủ động, có trọng điểm. Bên cạnh việc tích cực tham gia các chương trình quảng bá địa phương, tỉnh đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhằm tiếp cận các thị thường tiềm năng như Úc, Nga. Việc vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đạt gần 200 tỷ đồng đã góp phần khắc phục khó khăn của địa phương trong các lĩnh vực chủ yếu gồm giáo dục, y tế, nông nghiệp. Cùng với đó, hình ảnh Đắk Lắk giàu tiềm năng và đa dạng màu sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng cũng được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến...
 
Công tác phân giới cắm mốc của tỉnh đang được triển khai đúng quy định. Giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Mondulkiri có một cửa khẩu là Đắk Ruê - Chi Miết, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, phê duyệt đề án đầu tư đối với cửa khẩu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương...
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác đối ngoại, công tác biên giới của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng chí mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan tăng cường hợp tác, kết nghĩa với các địa phương nước ngoài để tăng cường phát triển, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, tạo tiền đề để địa phương phát triển kinh tế đối ngoại; đồng thời khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ địa phương kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư với các đối tác nước ngoài...
 
Đồng chí Bùi Văn Cường
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục nhận đuợc sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, Bộ Ngoại giao. Ảnh: H.Gia
 
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đã gửi lời cám ơn đến Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, giúp đỡ tỉnh Đắk Lắk, nhất là chia sẻ, trao đổi những thông tin hữu ích liên quan đến công tác đối ngoại, gợi mở hướng xúc tiến đầu tư gắn với phát triển kinh tế địa phương; đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, Bộ Ngoại giao trong thời gian tới.
 
 
Quỳnh Anh
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.