Multimedia Đọc Báo in

Năm 2020, thực hiện thành công "mục tiêu kép"

17:33, 28/12/2020
Chiều 28-12, tiếp tục chương trình Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, các đại biểu tập trung phân tích kết quả đạt được trong năm 2020 và mục tiêu, phương hướng trong giai đoạn tới.
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020 là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua do thực hiện thành công “mục tiêu kép”, điển hình là khống chế được dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng dương (2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt mức 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 96% dự toán.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)
 
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đời sống người có công được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong năm 2020 đã tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
 
Trong năm 2021, Chính phủ đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,5% so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Nhân Dân điện tử)
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương các cấp, ngành, địa phương và nhân dân về những kết quả to lớn đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Tổng Bí thư cho biết, năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ dữ dội nhưng cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước đã cùng vào cuộc ứng phó nhanh chóng. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ đã đề ra chính sách đúng đắn, kiểm soát tốt dịch bệnh, nỗ lực duy trì, phục hồi kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, khẳng định uy tín với cộng đồng quốc tế về phòng chống dịch bệnh. Năm 2020, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm thì Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng dương; nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát...
 
Chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ lớn trong năm 2021 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là rất cao trong bối cảnh chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới thời gian tới dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp. Cần triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội bằng những chương trình hành động thực tế, hiệu quả; cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn công cuộc đổi mới; kiên định đường lối của Đảng, của chủ nghĩa xã hội gắn liền với sáng tạo, với yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt kế hoạch hằng năm, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 gắn với Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 
 
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)
 
Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược, bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới theo hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là Cuộc cách mạng thứ 4; kiểm soát lạm phát; có chính sách, biện pháp phù hợp để khơi dậy phát triển đất nước, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, phẩm chất; tập trung ưu tiên đầu tư, huy động sử dụng mọi nguồn lực cho phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; ưu tiên nguồn nhân lực cho lĩnh vực then chốt…
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trình bày báo cáo, tham luận về kết quả của từng ngành, từng địa phương trong năm 2020 và mục tiêu, phương hướng trong giai đoạn tới; đồng thời nêu ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
 
Phát biểu ý kiến, lãnh đạo các địa phương đều đồng tình, thống nhất cao với nội dung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó thể hiện quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
 
Sáng mai (29-12), Hội nghị tiếp tục triển khai các nội dung quan trọng khác, như: xem xét Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019 - 2021, định hướng 2025…
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.