Từng bước "tin học hóa" công tác quản lý nhà nước ở địa phương
15:30, 12/03/2021
Sáng 12-3, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh năm 2020.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. |
Năm 2020, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng kịp thời cho sự phát triển CNTT, đặc biệt trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, qua đó, giúp cho công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện được trang bị máy tính có kết nối Internet phục vụ công việc, từ đó từng bước “tin học hóa” công tác quản lý nhà nước ở địa phương, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian giải quyết công việc, hạn chế lãng phí giấy tờ, văn phòng phẩm. Trong năm 2020, có trên 888.000 văn bản điện tử đã được trao đổi liên thông giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iDesk); có trên 46.000 tài khoản thư điện tử công vụ được cấp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức dùng để trao đổi thông tin trong công việc trên Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; Hệ thống iGate cung cấp 1.664 dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận trên 400.000 hồ sơ, đã giải quyết gần 380.000 hồ sơ theo cơ chế "Một cửa điện tử liên thông".
Về thanh toán trực tuyến, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai 41 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phí, lệ phí. Trong năm 2020 có 1.567 thủ tục hành chính được cập nhật vào cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 430 dịch vụ công cung cấp trực tuyến; đã phân quyền cho hơn 520 tài khoản của cán bộ, công chức thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nguyễn Hoàng Giang báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. |
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, việc ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh so với mặt bằng chung cả nước chưa cao; việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và thực hiện cải cách hành chính còn hạn chế và thiếu đồng bộ; vấn đề bảo mật, an ninh hệ thống mạng chưa cao; nguồn nhân lực về CNTT hiện nay còn thiếu và yếu; trình độ nhân lực CNTT tại xã, phường, thị trấn còn hạn chế....
Các đại biểu dự hội nghị đã trao đổi, thảo luận đề xuất các giải pháp để nâng cao ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, tỉnh ta đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt kể từ năm 2021. Vì thế, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý cần phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền số; hoàn thành các hệ thống nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, triển khai các giải pháp kết nối với các hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính chưa cung cấp dịch vụ công mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý của đơn vị mình; các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phát triển Chính quyền số góp phần phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả mạng lưới bưu chính công ích để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ Chính quyền số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; 100% máy chủ, thiết bị hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phải được giám sát, bảo đảm an toàn thông tin…
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc