Multimedia Đọc Báo in

Thắt chặt quản lý trong nuôi nhốt động vật hoang dã

20:27, 25/07/2021

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình nuôi, nhốt động vật hoang dã (ĐVHD), kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 481 cơ sở nuôi động vật hoang dã (ĐVHD), với 12.784 cá thể. Trong đó, có 423 cơ sở nuôi 8.996 cá thể thuộc 8 loài hươu, nai, nhím, heo rừng, dúi mốc, don, trĩ đỏ, tắc kè; 58 cơ sở nuôi 3.788 cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc 14 loài như: Voi châu Á, rắn hổ mang chúa, kỳ đà vân, rùa núi vàng, cầy vòi hương...

Để đưa hoạt động nuôi nhốt ĐVHD của tỉnh đi vào nền nếp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình nuôi, nhốt ĐVHD, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra một hộ chăn nuôi nai ở xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra một hộ chăn nuôi nai ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột.

Chi cục Kiểm lâm đã cấp mã số trại nuôi, cấp phát sổ theo dõi liên quan đến hoạt động nuôi nhốt ĐVHD cho các Hạt kiểm lâm huyện, liên huyện và các cơ sở gây nuôi ĐVHD trong tỉnh để ghi chép, lưu trữ những thông tin liên quan đến việc nuôi nhốt ĐVHD giúp việc quản lý được thuận lợi, hiệu quả. Riêng 28 cơ sở nuôi Voi châu Á với 39 cá thể đã được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk gắn chip để quản lý và theo dõi.

Chủ một cơ sở nuôi voi ở huyện Lắk đang chăm sóc đàn voi của gia đình mình
Chủ một cơ sở nuôi voi ở huyện Lắk đang chăm sóc đàn voi của gia đình.

Cùng với đó, từng bước cập nhật dữ liệu cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh lên hệ thống phần mềm quản lý cơ sở nuôi ĐVHD của Tổng cục Lâm nghiệp. Đây là phần mềm thiết lập cơ sở dữ liệu để quản lý, theo dõi các cơ sở gây nuôi ĐVHD từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời xây dựng được một bản đồ số hóa phân bố các cơ sở nuôi động vật hoang dã tại các địa phương cho phép cán bộ quản lý có thể biết được chính xác tọa độ, vị trí, số lượng ĐVHD đang nuôi tại một thời điểm nhất định... Qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, ngăn chặn tình trạng mua bán, tiêu thụ động vật rừng trái pháp luật; phòng chống dịch bệnh; tạo điều kiện và góp phần phát triển nghề chăn nuôi ĐVHD phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương và giảm áp lực săn bắt ĐVHD trong tự nhiên…

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý, khai thác, gây nuôi, mua bán, vận chuyển ĐVHD nói chung; đặc biệt không săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

Vạn Tiếp


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.