Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ với Thanh niên:

Nhớ lại câu chuyện “Đường xoài hoa trắng...”

16:48, 13/04/2010

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ kể lại: Một lần, hai Bác cháu cùng đi dạo trong khu vườn của Bác. Đi dạo nhưng cũng là để tập thể dục. Hai Bác cháu thong thả đi giữa con đường xoài quen thuộc, mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Đường xoài hoa trắng,
                        nắng đung đưa”
Nhìn những thân cây muỗm cổ thụ, xù xì với vẻ phong sương, có gốc cây hai người ôm không xuể, Bác bỗng hỏi:
-Chú Kỳ này, chú có biết những cây muỗm này trồng từ bao giờ không?
-Thưa Bác, cháu cũng chưa rõ, để rồi hỏi lại bên vườn ươm cây ạ.
-Thế chú có biết giống cây này từ khi trồng đến khi cỗi, chừng bao nhiêu năm không?
-Thưa Bác, cháu cũng chưa rõ.
Và rồi như bỗng nghĩ ra, đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác:
-Thưa Bác, cái nhà “Toàn quyền” kia có ghi làm từ năm 1900 đến 1906. Có lẽ những hàng muỗm này cũng được trồng từ dạo ấy…
-Thế thì cũng đã khá lâu rồi, chú nhỉ!
Bỗng Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ:
-Chú chịu khó cho tìm giống xoài miền Nam, trồng xen vào giữa những hàng Muỗm già này, để nó kịp lớn lên, thay thế nhé!
Kể lại câu chuyện nhỏ này xong, đồng chí Vũ Kỳ nói: “Mãi sau này tôi mới nghĩ ra, đây không phải chỉ là câu chuyện trồng cây, mà còn là câu chuyện trồng người của Bác. Bác luôn nhắc nhở chúng ta về sự nối tiếp của các thế hệ!”.

“Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng!”. (Lời dạy của Hồ Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ 2, năm 1956).    Ảnh: T.L
“Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng!”. (Lời dạy của Hồ Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ 2, năm 1956). Ảnh: T.L

Trong Di sản Tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những quan điểm của Người về thanh niên, về vai trò to lớn, lý tưởng của thanh niên, việc quan tâm giáo dục, bồi dưỡng thanh niên mãi mãi có giá trị đối với chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến Thanh niên. Tờ báo Cách mạng đầu tiên Bác đã đặt tên là “Báo Thanh niên” và tổ chức Cách mạng đầu tiên để tập hợp quần chúng đông đảo, Bác cũng đặt tên là: “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Và cuộc đời của Bác cũng chính là một tấm gương đẹp đẽ nhất của một thanh niên có lý tưởng và hoài bão lớn.
21 tuổi, Người đã lao động, làm nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng. Từ quê hương, Người đi một vòng trái đất, qua những đại dương mênh mông, những xứ sở xa lạ, hai lần vào tù, một án tử hình vắng mặt, nhưng cuối cùng Người đã cùng với Đảng, với nhân dân của mình giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Năm 1921, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc thành lập “Hội Liên hiệp thuộc địa”, gồm một số thanh niên yêu nước từ các thuộc địa Pháp để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Cuối năm 1923, Người vào học Trường Đại học phương Đông ở Matxcơva, nơi tất cả các học viên của trường đều là thanh niên của hơn 60 dân tộc trên thế giới. Và chính ở đây Người đã viết “Người ta có thể nói không ngoa rằng Trường Đại học phương Đông ôm ấp dưới mái trường của mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa” (1)
Sau khi dự Đại hội V của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội quốc tế thanh niên và là thành viên trong Đoàn Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc còn là tác giả chính của bản “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, theo tư tưởng của Lênin (2).
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu để có điều kiện gần gũi với cách mạng Việt Nam. Từ 1925 đến 1927, Người đã tổ chức đưa hàng trăm thanh niên Việt Nam yêu nước sang huấn luyện ở Quảng Châu và cử những thanh niên xuất sắc sang Nga học Trường Đại học phương Đông của Quốc tế cộng sản. Nhiều thanh niên sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp và lãnh tụ của Đảng ta như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…
Có thể nói, ở đâu và lúc nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú ý đến thanh niên và phong trào thanh niên. Người cho rằng vận mệnh của dân tộc và sự phát triển của đất nước luôn gắn liền với sự giác ngộ cách mạng và sự đóng góp của thanh niên. Thanh niên là nguồn sinh lực của cách mạng, là lớp người tiêu biểu cho sức sống của một dân tộc. Người luôn chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ và tin tưởng vào sức mạnh của thanh niên.
Ngày 17-8-1947 trong “Thư gửi các bạn Thanh niên” (3), Bác Hồ đã viết:
“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc và chuẩn bị cho cái tương lai đó”… Nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ”.
Và Bác nói: “Theo ý tôi, muốn đạt mục đích đó thì mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:
1-Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng, thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. (Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).
2-Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng quyết tâm làm cho kỳ được.
3-Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
4-Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
5-Quyết tấm làm gương về mặt: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
6-Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái, đoàn kết.
Cuối bức thư, Bác viết:
“Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.
Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được… Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”.
Và Bác kết luận rất tình cảm: “Đó là những kinh nghiệm của một người bạn có lịch duyệt, thật thà đem bày tỏ với các bạn. Mong các bạn gắn sức và thành công”.
Bức thư này, Bác gửi cho thanh niên đã hơn 60 năm rồi, nhưng hôm nay đọc lại, chúng ta thấy những lời khuyên bảo chân tình ấy của Bác vẫn còn nguyên giá trị giáo dục đối với mỗi người chúng ta, với phong trào thanh niên của chúng ta. Và trong mỗi dòng chữ là tình yêu thương của Bác dành cho thanh niên Việt Nam.
Có lần Bác Hồ đã nói, Bác rất yêu quý thanh niên, vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai, tức là các cháu nhi đồng. Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần Thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”.
Bác cũng đòi hỏi thanh niên phải sống xứng đáng với Tổ quốc, ra sức học tập, sáng tạo, phát huy trí tuệ, sớm đưa nước nhà tiến lên, sánh vai cùng các nước trên thế giới.
Lại nhớ một lần nói chuyện với thanh niên, Bác Hồ đã nói đến những con tàu trên biển. Nếu chiếc tàu kia chạy nhanh thì mọi con người trên đó đều tiến nhanh, nếu con tàu kia chạy chậm thì mọi thứ trên đó cũng đều chậm. Đất nước mà tiến hanh, thì hạnh phúc của mỗi con người cũng sẽ được đẹp đẽ hơn. Tiền đồ của mỗi thanh niên luôn gắn liền với tiền đồ của đất nước.

-------------------
(1)Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG 2002 – tập 1 – trang 301.
(2)Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò thanh niên NXB Thanh niên 2002 – trang 185.
(3)HCM toàn tập, tập 5 – NXBCTQG 2002 – trang 185

Bùi Công Bính

Ý kiến bạn đọc