Nhớ mãi những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử
Tháng 1 năm 1975, trong cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia ngụy, Nguyễn Văn Thiệu nhận định: Việt cộng sẽ tấn công toàn miền Nam vào tháng 3 năm 1975, nhưng không lớn bằng xuân năm 1968 và 1972. Quân giải phóng họ sẽ đánh chiếm Quảng Trị, bao vây cô lập Đà Nẵng và Hội An; chiếm Kon Tum, bao vây cô lập Pleiku; chiếm Bình Long, bao vây cô lập thị xã Tây Ninh; gây áp lực ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…
Trong lúc quân ngụy triển khai lực lượng chuẩn bị đối phó ở hai đầu Trị Thiên Huế và miền Đông, miền Tây Nam Bộ, thì những ngày đầu tháng 3 năm 1975, ta triển khai cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam, mở đầu bằng trận thắng giòn giã đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên. Tiếp đó, quân và dân ta tấn công và nổi dậy giải phóng Trị Thiên – Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Trung Bộ, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở Tây Nguyên và các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Ở miền Đông Nam Bộ các lực lượng vũ trang của ta không ngừng đẩy mạnh tiến công đứng vững trên các địa bàn chiến lược chung quanh Sài Gòn và còn bám trụ ngay cả các vùng ven và nội thành Sài Gòn.
Ngày 31-3-1975, sau khi Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình trên các chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị nhận định: “Cách mạng nước ta hiện đang phát triển sôi nổi nhất với nhịp độ một ngày bằng 20 năm”. Bộ Chính trị quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc – táo bạo – bất ngờ – chắc thắng, quyết tâm lớn, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm”.
Ngày 11-4-1975, chiến trường miền Nam liên tiếp nhận được điện của Trung ương Đảng chỉ đạo: “Trong khi Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tiếp tục nhận nhiệm vụ như hiện nay, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn để tập trung thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này” (Trích Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng – NXB CTQG). “Bất ngờ hiện nay không còn là phương hướng lớn nữa, mà là khâu thời gian, chính từ ý nghĩa đó mà Bộ Chính trị khẳng định từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược Sài Gòn đã bắt đầu”. (Trích Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng).
Quyết tâm của Bộ Chính trị đã trở thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cả nước đều hành quân ra trận với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Các binh đoàn chủ lực hùng mạnh từ Trị Thiên Huế đến Quân khu 5, Tây Nguyên và cả từ hậu phương lớn thần tốc tiến về miền Nam. Phối hợp lực lượng vũ trang tại chỗ từ ngoại ô đến nội thành Sài Gòn, lực lượng quần chúng cũng đã âm thầm, náo nức chuẩn bị. Tất cả đều nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của ba đòn chiến lược, kết hợp tấn công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra để giành chiến thắng.
Mũi tiến công của Quân đoàn 2 vào Dinh Độc Lập. Ảnh: T.L |
Ngày 20-4-1975, Xuân Lộc mà chúng cho là “Cánh cửa thép”: ở phía đông để bảo vệ Sài Gòn đã bị thất thủ. Phối hợp với trận Xuân Lộc, ngày 13-4-1975, trận tấn công Phan Rang của lực lượng vũ trang Quân khu 5 bắt đầu. Và đến ngày 16-4-1975, quân ta đánh chiếm Phan Rang và sân bay Thành Sơn, phá vỡ tuyến phòng ngự từ xa của địch. Trước tình thế vô cùng tuyệt vọng, ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu “bàn giao” chức Tổng thống cho Trần Văn Hương, tuyên bố: “Tôi từ chức nhưng tôi không đào ngũ”; thế mà ngay ngày hôm sau, hắn đã cùng gia đình và Thủ tướng ngụy Trần Thiện Khiêm đã cao chạy xa bay sang Đài Loan bằng máy bay C118 của quan thầy Mỹ.
Ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi… Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc thắng nhất để giành thắng lợi hoàn toàn”.
Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975 – giờ G của cuộc tổng tiến công lớn vào Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
Năm Quân đoàn chủ lực hùng mạnh phối hợp nhịp nhàng cùng lực lượng 3 thứ quân tại chỗ và sức mạnh nổi dậy của quần chúng trên tất cả các hướng chiến dịch đều hừng hực khí thế xung trận, quyết chiến quyết thắng.
Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 đánh chiếm Chi khu quân sự Trảng Bom. Quân đoàn 2 đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Trường sĩ quan thiết giáp ngụy ở căn cứ Nước Trong… phát triển theo hướng Biên Hòa, Nhơn Trạch. Đặc công, biệt động Miền thọc sâu đánh chiếm và giữ các cầu trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, bảo đảm cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh chiếm phía Nam Bà Rịa, phát triển theo hướng thành phố Vũng Tàu. Bộ đội địa phương, dân quân du kích Bà Rịa đánh chiếm các đồn bót, quận lỵ, chi khu giải phóng phần lớn tỉnh. Pháo binh tầm xa của ta ở Hiến Liêm đánh tê liệt sân bay Biên Hòa, buộc địch phải di tản máy bay về Tân Sơn Nhất.
Ở hướng Tây Nam, lực lượng của Quân khu 8 cắt đường số 4 (nay là Quốc lộ 1B), hai trung đoàn chủ lực của Quân khu tiến nhanh vào phía nam quận 8 Sài Gòn. Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn), sử dụng một sư đoàn mở đầu cầu trên sông Vàm Cỏ Đông ở An Ninh, Lộc Giang cho sư đoàn 9 binh khí kỹ thuật vượt sông hướng vào nội đô.
Ở hướng Bắc Quân đoàn 1 thọc sâu tiến công quân địch đứng chân phía Bắc Thủ Dầu Một.
Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 tiến công cắt đứt đường số 1 và 22, chặn các trung đoàn của sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh về căn cứ Đồng Dù. Trung đoàn Gia Định đánh chiếm làm chủ con đường vành đai Sài Gòn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre, mở cửa phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị cho các binh đoàn chủ lực tiến công.
Tính từ chiều 26-4 đến ngày 28-4 ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân dịch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài và siết chặt vòng vây chung quanh Sài Gòn.
Hồi 20 giờ 45 phút ngày 27-4 trong bước đường cùng, Mỹ thúc ép Quốc hội ngụy chỉ còn một nửa số đại biểu giơ tay biểu quyết buộc Tổng thống Trần Văn Hương “trao quyền” cho Tổng thống Dương Văn Minh.
(còn nữa)
Ý kiến bạn đọc