Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện dân chủ trong chính trị
Dân chủ là một vấn đề có tính thời đại và thời sự sâu sắc, nhất là trong sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay. Dân chủ là tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá sự tiến bộ của mọi thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân, có vai trò tác động to lớn đối với sự phát triển của con người và xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng vấn đề dân chủ, và coi dân chủ là mục đích chính trị trực tiếp của cách mạng. Đời sống xã hội cần đến dân chủ trong mọi lĩnh vực hoạt động của nó, trước hết là trong chính trị và kinh tế – hai bộ phận quan trọng của hình thái kinh tế – xã hội. Sự phát triển của kinh tế tùy thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó không thể thiếu vai trò của dân chủ đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh, mà hạt nhân là lợi ích của các chủ thể kinh tế. Cũng như vậy, dân chủ trong chính trị nhằm thúc đẩy chính trị phát triển. Chính trị là những hoạt động liên quan đến lợi ích của các giai cấp, đảng phái, dân tộc, quốc gia, mà vấn đề quan trọng nhất của nó là tổ chức chính quyền Nhà nước. Cho nên, thiếu dân chủ trong chính trị tất sẽ dẫn đến nền chính trị độc tài, chuyên quyền, sẽ đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại.
Tư tưởng dân chủ trong chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thấm nhuần sâu sắc bản chất giai cấp công nhân và tinh thần thời đại, vừa thể hiện đặc sắc những giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu một cách sáng tạo những tinh hoa của giá trị dân chủ nhân loại.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ được kiến giải một cách giản dị, dễ hiểu. Người không định nghĩa dân chủ theo kiểu hàn lâm, bác học nhưng lại phản ánh được chiều sâu giá trị lý luận của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt giản dị định nghĩa khái niệm dân chủ: Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ. Đây được xem là một định nghĩa kinh điển về dân chủ, ngắn gọn, nhưng lại bao quát đầy đủ nhất, sâu sắc nhất bản chất của dân chủ. Định nghĩa này đã nhấn mạnh chủ thể chân chính của chế độ mới là nhân dân. Họ trở thành người chủ của đất nước.
Dân là chủ đã khẳng định rõ ràng địa vị người chủ trong chế độ chính trị, trong xã hội và Nhà nước thuộc về người dân. Dân là chủ đối lập với nô lệ, thần dân hay thảo dân trong chế độ phong kiến cũng như thân phận nô lệ trong tình cảnh bị bọn thực dân thống trị.Dân là chủ còn biểu hiện vị thế xã hội, tính tích cực chính trị và địa vị pháp lý của người dân. Nhưng nếu dân chủ chỉ dừng lại ở chỗ Dân là chủ thì chưa hoàn thiện mà còn là Dân làm chủ. Làm chủ phán ánh năng lực thực thi dân chủ của người dân. Năng lực đó được biểu hiện ở trình độ văn hóa, bản lĩnh, ý thức, trách nhiệm…; đó là nội hàm của năng lực dân chủ, thể hiện hành vi làm chủ. Chính địa vị người chủ và năng lực làm chủ đã khái quát đầy đủ nhất trong nhận thức về dân chủ của tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm chủ đó là hành động của dân, biểu hiện năng lực thực hành dân chủ, thước đo về trình độ phát triển ý thức dân chủ của dân với tư cách là chủ thể quyền lực, thực hiện sự ủy quyền chân chính của mình vào thể chế chính trị và thể chế Nhà nước. Địa vị và năng lực đó biểu hiện ra trong sự vận động của chính trị đó là: “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (1). Như vậy, dân là chủ thể gốc của quyền lực và Nhà nước là chủ thể đại diện cho dân. Nhà nước là một vật thể mà dân là chủ sở hữu, là chủ thể ủy quyền, Nhà nước thực hiện sự ủy quyền của dân.
Bác Hồ với thanh niên |
Định nghĩa về Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ” (7). Đây là một định nghĩa thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, mang giá trị đạo đức và văn hóa. Chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng là một nền chính trị hợp thời đại và thuận lòng dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy vai trò to lớn của chính trị trong việc cải tạo xã hội, giải phóng cho dân tộc và loài người. Người khẳng định: Học chính trị là để yêu nước, đoàn kết, kháng chiến. Ở đây “Đoàn kết” trở thành hạt nhân của tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, là thuộc tính không thể thiếu của chính trị. Cho nên, chính trị như một quỹ đạo mà đoàn kết là lực hướng tâm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm chính trị không chỉ đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, mà còn phải đoàn kết quốc tế. Nhận thức được điều này thì chính trị sẽ trở thành: “Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập thống nhất”, (8), xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh.
Xuất phát từ nhận thức chính trị là Đoàn kết và Thanh khiết mà mục đích hoạt động chính trị, những nội dung cốt yếu bên trong của nó như chủ trương: “Xây dựng chính trị, Dân quyền” (9), hay mục đích, nhiệm vụ chính trị trong chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: Yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác” (10). Người yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân cần phải thấu hiểu chính trị và thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chính trị trong mối quan hệ với chuyên môn để tạo thành một thể chế thống nhất chứa đựng và chuyển tải được tính nhân văn của chính trị. Người viết: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn… Chính trị là đức, chuyên môn là tài” (11).
Phấn đấu cho một nền chính trị phục vụ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết và trước hết là thấu hiểu chính trị và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân khi tham gia vào hoạt động chính trị, thì chính trị đó phải gắn liền với chuyên môn. Chỉ có chính trị mà không có chuyên môn, đó chỉ là sự viển vông, đúng hơn là tự lừa bịp về chính trị. Hay chỉ có chuyên môn mà không biết chính trị thì giống như kẻ ngốc nghếch, bị người khác lừa bịp.
-----------------
* Từ (1) đến (11) đều lấy trong tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập NXB chính trị quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2005.
Ý kiến bạn đọc