Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới

16:39, 13/04/2010

Trước đây khi nhắc tới Việt Nam nhiều người trên thế giới sẽ liên tưởng đến một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Còn nay du khách khắp nơi sẽ biết đến Việt Nam không chỉ là một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa cao mà còn là một quốc gia có nền chính trị ổn định, văn hóa, xã hội, kinh tế đang có những bước tiến mạnh mẽ trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay là cơ hội cho nhiều cá nhân, tổ chức tìm kiếm hợp tác đầu tư.

Thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng - 2010 (Ảnh: T.L)
Thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng - 2010 (Ảnh: T.L)

Bước ra từ hai cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu cho quá trình xâm lược biến nước ta thành thuộc địa của Pháp. Cuộc đấu tranh bền bỉ của cả dân tộc đã trải qua nhiều hình thức nhưng đều thất bại. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã chấm dứt khủng hoảng đường lối lãnh đạo. Kể từ đây nhân dân một lòng đi theo Đảng và đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân thoát khỏi cuộc đời nô lệ, mất nước. Nhưng phải 9 năm sau, năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động toàn cầu và bản Hiệp ước Geneve được ký, đã làm cho chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, gây tiếng vang lớn cho bạn bè quốc tế, tạo ra một dư chấn làm cho Nam Mỹ trở thành “Lục địa bùng cháy” còn châu Phi  trở thành “Lục địa mới trỗi dậy”. Chiến thắng đó mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, góp phần cổ vũ phong trào cách mạng thế giới. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, cả dân tộc ta lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ - một cường quốc “khổng lồ” về kinh tế, quân sự. Năm đời tổng thống Mỹ, từ Eisenhower, John Kennedy đến Lyndon Johnson, Richard Nixon rồi Gerald Ford đã nối chân nhau điều hành bốn chiến lược chiến tranh thực dân mới ở chiến trường Việt Nam, từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ và chiến tranh phá hoại miền Bắc VN lần thứ nhất rồi VN hóa chiến tranh và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Nhưng với tấm lòng sắt son của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, con thuyền cách mạng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách; Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu một mốc son mới trong trang sử vàng của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi, Bắc Nam sum họp một nhà, niềm vui đó không chỉ là niềm vui riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là niềm vui chung của bạn bè thế giới, những lực lượng dân chủ tiến bộ đã sát cánh cùng dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam đã để lại nhiều cảm nhận sâu sắc cho những người yêu chuộng hòa bình trên khắp hành tinh. Người ta không chỉ biết đến Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé  đánh bại được hai gã thực dân, đế quốc khổng lồ mà người ta còn phải kinh ngạc khi biết rằng chi phí cuộc chiến mà Mỹ đổ vào cuộc chiến Việt Nam lớn hơn chi phí của bất kỳ cuộc chiến tranh nào đã nổ ra.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Ảnh: T.L)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Ảnh: T.L)

Việt Nam - Bước nhảy vọt của con hổ
Bỏ lại sau lưng quá khứ của hai cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, nhân dân ta bắt tay vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế. Đại hội VI (năm 1986), đã tạo ra một dấu ấn mới cho dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế - xã hội nước ta gặt hái được nhiều thành quả mới. Việc Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau 20 năm (1975-1995) thi hành chính sách cấm vận đã  tạo cơ hội cho Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong trường quốc tế. Năm 1997 nước ta gia nhập ASEAN, tham gia APEC, ASEM và cuối cùng trở thành thành viên của tổ chức WTO. Đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới năm 2009, Việt Nam được nhiều quốc gia đánh giá cao khi vượt qua khủng hoảng thành công nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Nhà nước. Từ một nước phải nhập khẩu gạo thì nay nước ta đã đứng thứ 2 thế giới xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2009, Việt Nam đạt con số xuất khẩu 5 triệu tấn, tờ báo Granma (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu Ba) ra số ngày 16-1-2010 đã đăng tải bài viết nhan đề “Việt Nam: Thành tựu trong công cuộc đấu tranh chống đói nghèo” nêu bật những thành tích như giảm tỷ lệ người nghèo đói, xóa nạn mù chữ, mở rộng hệ thống giáo dục phổ thông và giúp đỡ các nước còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là nước đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ do LHQ đề xướng. Trong 10 năm trở lại đây, nước ta đã giảm tỷ lệ người nghèo từ 60% dân số xuống còn 19%. Theo tờ báo đánh giá, sở dĩ Việt Nam đạt được thành tựu này là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, người dân cần cù, thông minh, đất nước hòa bình, an ninh ổn định đó là tiêu chí quan trọng để thu hút vốn đầu tư và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp không khói. Trên tờ Herald Sun (Australia), bài viết “Kinh tế Việt Nam đang tiến về phía trước” của tác giả John Beveridge, đăng ngày 12-1 sau chuyến đi thực tế đã ví Việt Nam như là một con hổ kinh tế đang tăng trưởng mạnh và bí quyết về tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua là do Việt Nam đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có định hướng, cùng với đó là người dân thân thiện mến khách có học vấn cao… Nhận định về nền kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi trong khi các nước khác còn gặp nhiều khó nhăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, ngày 25-1, trang web Seeking Anpha của Mỹ trích lời Giáo sư Joseph Nye của đại học Harvard cho biết nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau suy thoái là do tín hiệu vui của đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu. Còn EMFIS của Đức trung tuần tháng 1-2010 đã nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2009 đã tăng trưởng và sang năm 2010 có chiều hướng phát triển nhanh hơn. Thị trường chứng khoán tăng mạnh khi bước vào phiên giao dịch năm 2010. Chỉ số VN-Index trong tháng 1 tăng gần 8%, đạt mức tăng cao nhất châu Á. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2009 bất chấp khủng hoảng tài chính vẫn tăng 5,32% so với 6,18% của năm 2008. GDP tăng trở lại vào cuối năm 2009, đặc biệt quý IV-2009 đã tăng tới 6,9%. Sự phục hồi được thể hiện ở sự tăng đáng kể về nguồn cung tiền. Năm 2009 lượng tiền cho vay tín dụng của các ngân hàng tăng 38% so với năm 2008 nhất là lĩnh vực xây dựng, qua đó hỗ trợ nền kinh tế nội địa. Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ là rất ít quốc gia đã vượt khủng hoảng tài chính mà không bị những “phản ứng phụ”. EMFIS cho rằng về trung và dài hạn Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những nước được quan tâm nhất của các nhà đầu tư, làn sóng tư nhân hóa, tiếp tục hiện đại hóa và đô thị hóa không ngừng, sự thịnh vượng của nhiều tầng lớp xã hội tiếp tục tăng. Giới đầu tư quốc tế dự kiến trong những năm tới sẽ tiếp tục bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam.    

Hội voi Buôn Đôn - Dak Lak (Ảnh: Hoàng Sơn)
Hội voi Buôn Đôn - Dak Lak (Ảnh: Hoàng Sơn)

Những đánh giá trên đây của báo chí, mạng tin nước ngoài đã nói lên được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Nhà nước trên con đường đưa Việt Nam gia nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Tại Hội nghị Davos (Thụy Sĩ)  diễn ra từ ngày 25 đến 31-1-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã được Hội nghị mời lên để chia sẻ phương cách vượt qua khủng hoảng  kinh tế của Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bạn bè thế giới hẳn sẽ có nhiều cảm xúc trái ngược nhau khi chứng kiến những sự kiện quốc tế liên quan đến Việt Nam. Đó là những đêm không ngủ của ngày vui chiến thắng Điện Biên Phủ với Hiệp định Geneve được ký kết buộc Pháp phải rút quân về nước, là niềm hạnh phúc khi Hiệp định Paris buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 làm cho nước nhà thống nhất. Niềm tự hào đó lại được các thế hệ con rồng cháu tiên viết lên kỳ tích khi đưa Việt Nam gia nhập WTO và vượt qua cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới. Hẳn nhiều người giờ đây không chỉ biết đến Việt Nam là một đất nước trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt với nhiều mất mát hy sinh, mà còn trên mảnh đất đầy đau thương ấy là một đất nước đang trở mình đứng dậy và có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội. 

Tuấn Anh – Hoàng Gia (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc