Multimedia Đọc Báo in

Đại thắng mùa Xuân 1975 qua cái nhìn của người Mỹ

15:27, 22/05/2010

Cảnh tượng lính Mỹ hoảng loạn chen lấn, xô đẩy trên chiếc trực thăng Black Hawk trong một cuộc tháo chạy trước sức tiến công thần tốc không gì cản nổi của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào dinh Độc Lập năm 1975 đánh dấu thời khắc vàng cho sự sum họp của hai miền Nam-Bắc. Với những người dân Việt Nam, đó là một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do. Còn với người Mỹ, đặc biệt với những quan chức đã từng tham chiến ở Việt Nam, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 không chỉ để lại nỗi khiếp sợ trong thán phục mà còn là hồi chuông để thức tỉnh và rút ra nhiều bài học.
Sau nhiều năm điều hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam, kết thúc năm 1968, cố Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã thú nhận là thực sự không tin mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa vì tình hình đen tối ở Việt Nam đã làm cho Giôn-xơn phải căng thẳng, ít khi ngủ được trước 2 giờ sáng. Còn Giê-rôn Pho, cựu Tổng thống Mỹ, trước thất bại nghiêm trọng của Mỹ ở Đông Dương đã phải thừa nhận: “Tình hình Nam Việt Nam là một thảm họa với những mức độ không thể tưởng tượng được”. “30-4-1975 là một ngày đau đớn đối với chúng tôi. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì tôi đã từng trải qua những ngày đau khổ khi thấy Nam Việt Nam dần dần tan rã. Nhưng cũng phải nói rằng quá trình sụp đổ đó đã diễn ra nhanh hơn thực tế tình hình mà tôi nghĩ. Thật là một điều đáng buồn, nhưng đó là một điều không thể nào tránh khỏi” - Oét-mô-len, cựu Tổng chỉ huy quân xâm lược Mỹ ở Việt Nam thú nhận.
Không chỉ là sự thất bại, Đại thắng mùa Xuân 1975 của Việt Nam với giới quan chức Mỹ từng tham chiến trên dải đất hình chữ S này cũng để lại nhiều bài học xương máu. Trả lời trên Hãng tin UPI ngày 28-5-1975, G.Ca-tơ, cựu Tổng thống Mỹ nói: “Tôi hy vọng rằng những ngày chúng ta đơn phương can thiệp vào Việt Nam, Campuchia và Cộng hòa Đônminích đã qua rồi. Chúng ta đã rút ra được bài học là đừng bao giờ đất nước chúng ta dính líu về quân sự vào các vấn đề nội bộ của nước khác”. Sau chiến thắng của nhân dân Việt Nam, H.Hăm-phri, cựu Phó Tổng thống Mỹ dưới thời L.Giôn-xơn đã phát biểu trên tờ “Thời báo” (Mỹ) ngày 12-5-1975: “Bài học mà chúng ta rút ra được là Mỹ không thể giải đáp được mọi vấn đề trên thế giới. Chúng ta xét đoán về khu vực này của thế giới dựa vào những kinh nghiệm của chúng ta tại châu Âu… Rõ ràng là chúng ta, trong đó có cả tôi, đều có lỗi”.
Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ Kít-xinh-giơ: “Có thể chúng ta đã sai lầm trong khi biến Việt Nam thành cuộc thí nghiệm đối với chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam kể từ năm 1962 và 1963 khi chúng ta bắt đầu dính líu vào đó… Tôi nghĩ rằng có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào là biện pháp giải quyết tồi tệ nhất vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào”. Cảm giác nhẹ nhõm sâu sắc khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam cuối cùng đã kết thúc, M.Hat-phin, Thượng nghị sĩ Mỹ phát biểu: “Nếu chúng ta dũng cảm và trung thực nhìn vào sai lầm của chính sách trước đây thì chúng ta có thể rút ra bài học để sửa chữa các phương hướng của chúng ta trong tương lai”. W.Phun-brai, nguyên Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trả lời trên tờ “Thời báo” (Mỹ) 12-5-1975: “Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và từ nay trở đi phải chín chắn hơn, thận trọng hơn và có trách nhiệm hơn khi tìm cách giải quyết những vấn đề như vậy. Người Mỹ từng có một niềm tin, một cảm giác nhất định rằng mọi điều chúng ta làm đều là tuyệt vời, còn mọi cái khác làm thì đều xấu hoặc có vấn đề. Một trong những lỗi lầm lớn nhất của chúng ta là đã có thái độ khinh rẻ, ngạo mạn, gọi phía bên kia là lũ man rợ, ấm ớ. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đã xảy ra cần phải có thời gian suy nghĩ lại”.

 

Đ.T (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.