Multimedia Đọc Báo in

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!

16:05, 12/05/2010

Ngày 12-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), 1.702 đại biểu tiêu biểu của 54 dân tộc thiểu số đã dự Đại hội Đại biểu (ĐHĐB) toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất. Đây là sự kiện chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc... Đồng thời đây là biểu tượng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của ý chí sắt son nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Qua đó, tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.

 

 

Đoàn kết dân tộc - truyền thống lịch sử
 

Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, kề vai sát cánh giúp đỡ nhau trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi có Ðảng và Bác Hồ lãnh đạo, truyền thống đoàn kết và yêu nước quý báu đó lại càng được hun đúc, phát triển lên tầm cao mới. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, những cái tên như Pác Pó, Bắc Sơn, rừng Trần Hưng Đạo, Võ Nhai… đã gắn liền với những sự kiện vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng nhân dân cả nước tiến hành các cao trào cách mạng, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc: Ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khẳng định về vai trò to lớn của các đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc,  Bác Hồ đã viết trong thư gửi Đại hội Đại biểu các DTTS tổ chức tại Hà Nội ngày 3-12-1945: “Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu cùng phấn đấu thêm nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng, để xây dựng một nước Việt Nam mới”. Trong bức thư gửi Đại hội Đại biểu các DTTS Miền Nam tổ chức tại Plâyku (Gia Lai) ngày 19-4-1946, Hồ Chủ tịch tiếp tục nhấn mạnh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Đồng bào các dân tộc ở Dak Lak trong Lễ kỷ niệm 35 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột
Đồng bào các dân tộc Dak Lak trong Lễ kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột.                Ảnh: L.H

Trong kháng chiến chống Pháp, đã nổi lên nhiều tấm gương sáng tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách  mạng, mãi mãi là niềm tự hào của các dân tộc như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Vừ A Dính, Anh hùng Núp…Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng vạn thanh niên các dân tộc đã tình nguyện xung phong đi bộ đội, vào chiến trường đánh Mỹ. Qua các thời kỳ, đã có 170 cá nhân là người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, 236 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS

Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trò với các học sinh dân tộc thiểu số trong chuyến thăm Trường Cao đẳng day nghề Thanh niên Tây Nguyên
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trò chuyện với các học sinh dân tộc thiểu số trong chuyến thăm Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên.       Ảnh: Lê Hương

Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em vẫn được giữ vững trong công cuộc Đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngày 27-12-1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đây là Nghị quyết quan trọng về công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tư duy trong chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi trong thời kỳ đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta...

Hàng loạt chương trình, chính sách, dự án đã được triển khai ở vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao phía Bắc, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135)…Nhiều chính sách mới được triển khai với nguồn đầu tư ngày càng tăng như cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; các Chương trình 132, 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo đời sống khó khăn; hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS… Đặc biệt, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a để giảm nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo nhất cả nước, phần lớn các huyện này nằm ở các vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao.

Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao

 

  Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hoạt động giao thương hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng trở nên thuận lợi
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hoạt động giao thương hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng trở nên thuận lợi

Với sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở các vùng đồng bào DTTS được xây dựng: tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 96%; 100% số huyện và 80% số xã có điện, trên 65% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện. Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, đến hết quý I-2010, các huyện đã khởi công xây dựng gần 73.000 căn nhà (đạt trên 97% kế hoạch), trong đó gần 65.000 căn đã hoàn thành và bàn giao cho các hộ nghèo sử dụng.Tỷ lệ nghèo tại vùng đồng bào DTTS đã giảm từ 60% năm 1997 xuống còn 23,5% năm 2009.

Về giáo dục, cho đến nay, các xã đặc biệt khó khăn đều có trường tiểu học, nhà mẫu giáo. Đến năm học 2008 – 2009 đã có 285 trường phổ thông DT nội trú trên địa bàn 49 tỉnh, thu hút 84.000 học sinh…Sau 15 năm thực hiện chế độ cử tuyển, các địa phương đã phối hợp với các trường tuyển được 20.590 học sinh là con em các dân tộc vào học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Tất cả các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có trung tâm y tế và bác sĩ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%. Đội ngũ cán bộ người DTTS tăng cả về số lượng và chất lượng. Đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XII là 17,65%; trong Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011 là 20,53%, cấp huyện: 20,18%, cấp xã: 24,4%.

Đặc biệt, công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống được coi trọng, việc xây dựng hương ước, quy ước làng, bản văn hoá và xoá bỏ những tập tục lạc hậu được tiến hành đồng bộ. Nhiều Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long... Đáng chú ý, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc thực hiện hệ thống chính sách dân tộc với nhiều chương trình, dự án; nguồn đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước cùng sự  cố gắng, nỗ lực của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đang từng bước phát triển, đời sống ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Năm 2010 là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm thành lập Ðảng, 65 năm thành lập nước, 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm Ngày thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...; là năm tiến hành Ðại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Ðại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam với quy mô toàn quốc được tổ chức càng góp phần tôn thêm truyền thống lịch sử vẻ vang và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nêu cao quyết tâm  thực hiện "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển". Và như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định tại Đại hội: "Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các DTTS đã luôn cùng đồng bào cả nước một lòng thủy chung, son sắt theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức, xương máu cho sự nghiệp cách mạng và giành được những thắng lợi vĩ đại. Ngày nay, trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, với nỗ lực của các cấp các ngành và đồng bào trong cả nước, đặc biệt là từ khi triển khai thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc, vùng dân tộc miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống – xã hội. Việc thực hiện công tác dân tộc đã được các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương thực sự quan tâm thực hiện. Đó là biểu hiện tốt đẹp, thiết thực của tình cảm đồng bào, trách nhiệm của nhân dân cả nước và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế."

Lê Hương (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.