Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Nguyễn Văn Linh với công cuộc đổi mới đất nước

09:36, 30/06/2010
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ và giữ các chức vụ:  Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc ủy Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Thường vụ rồi Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa  IV, Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, Trưởng ban cải tạo XHCN của Trung ương, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - đại hội đổi mới năm 1986
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - đại hội đổi mới năm 1986

Với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng.
Khi nói đến mục đích, ý nghĩa và tính chất của công cuộc đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa nhằm vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động sáng tạo và khả năng vô tận của nhân dân lao động làm chủ tập thể, đồng thời đẩy mạnh ba cuộc cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc…Muốn thế, phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ, trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa, biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng con người chúng ta” (1)
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng khẳng định: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là để đạt mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường, hình thức, phương pháp và bước đi phù hợp với quy luật. Đổi mới không phải là phủ nhận tất cả quá khứ mà là sự kế thừa những tinh hoa của quá khứ.
Đồng chí thường nhấn mạnh việc đổi mới đòi hỏi phải có tư duy sáng tạo: “Có nhận thức đúng và sâu mới làm đúng và làm có hiệu quả. Do đó, muốn có đổi mới trong đời sống thì trước hết phải đổi mới trong tư duy. Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và vận dụng chúng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề ra các ý kiến mới, nói đến việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động”. (2)
Khi xác định phương châm và lộ trình đổi mới ở nước ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: “Chúng ta chủ trương đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế, chính trị đến tư tưởng, văn hóa và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội… Trong quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị” (3)
Để công cuộc đổi mới đạt được mục tiêu cuối cùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh còn chỉ rõ, có hai vấn đề Đảng phải thực hiện cho tốt. Đó là: “Thứ nhất: phải có một Đảng cách mạng chân chính nêu ra được một đường lối đúng, sáng suốt để cứu nước và xây dựng đất nước. Thứ hai: Đảng đó phải biết dựa vào quần chúng và phát huy đầy đủ sức mạnh của quần chúng nhân dân” (4)
Từ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ trong tiến trình đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu bốn yêu cầu về đạo đức của người cán bộ trong thời kỳ cách mạng: Người cán bộ phải có lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân; có ý chí cách mạng tiến công, sự chiến đấu không mệt mỏi để xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả; phải có sự gắn bó và ý thức phục vụ nhân dân, tôn trọng và xây dựng quyền làm chủ của nhân dân lao động; có tính trung thực, ý thức dám đấu tranh và biết tự phê bình cùng với sinh hoạt cá nhân lành mạnh nêu gương được cho mọi người xung quanh.
Những năm đầu của công cuộc đổi mới đầy khó khăn, phức tạp, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khơi nguồn cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, khắc phục những hành động sai trái và tiếp sức thêm cho việc dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn hết sức đậm nét, được nhiều người đánh giá cao qua chuyên mục “Những việc cần làm ngay” với bút danh N.V.L trên báo Nhân Dân. Một loạt bài “Những việc cần làm ngay” với nội dung chống tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, buôn lậu, lãng phí… đã tạo được hiệu quả to lớn, bởi lẽ, nó phù hợp với tư duy đổi mới là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân bị phê phán đã sửa chữa khuyết điểm. Một số cán bộ bị xử lý kỷ luật. Các ngành, tỉnh, thành phố có chỉ thị hưởng ứng tinh thần của N.V.L tức là “Nói và làm”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, việc chống tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội là một nhiệm vụ cấp bách trước mắt và thường xuyên lâu dài, gắn liền với việc biểu dương các nhân tố tích cực thúc đẩy tiến trình đổi mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kết hợp sáng tạo lý luận với thực tiễn, coi trọng đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, không dừng ở tư duy lý luận mà triển khai sâu rộng trong hoạt động thực tiễn. Đồng chí không chỉ đóng góp vào việc phát triển lý luận cách mạng nói chung, về đổi mới nói riêng, trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn chỉ đạo thực hiện thành công một số nhiệm vụ trong những năm đầu đổi mới đất nước.
Giữa lúc đất nước đang từng bước đổi mới đi lên thì tại Đại hội VII của Đảng (6-1991), mặc dù được nhiều đoàn đại biểu đề cử, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xin phép thôi giữ chức Tổng Bí thư và không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đã cử đồng chí làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ở cương vị mới, đồng chí vẫn tiếp tục cống hiến xuất sắc cho công cuộc đổi mới đất nước.
Nguyễn Xuyến
Tài liệu tham khảo: (1)Tạp chí Cộng sản, số 1 - 1987 - tr23.
(2) Nguyễn Văn Linh; Đổi mới để tiến lên - NXB ST - H - 1988 - T1 - tr31.
(3)Tạp chí Cộng sản, số 9 - 1988 - tr13.
(4)Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 8 - 1995 - tr6.

Ý kiến bạn đọc