Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII: Còn bỏ sót nhiều mặt hàng vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường

11:08, 07/06/2010

 Khi thảo luận về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu QH bày tỏ quan điểm bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng chịu thuế và cân nhắc phương pháp tính thuế để bảo đảm đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền để xử lý ô nhiễm, ô nhiễm nhiều phải trả tiền nhiều”. 

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật đề nghị đưa xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn) vào đối tượng chịu thuế, vì đây là các sản phẩm có chứa một số chất hóa học như chì, lưu huỳnh... ngay cả khi chưa sử dụng. Các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xăng dầu có phạm vi sử dụng rộng rãi, với lượng lớn 15 triệu tấn/năm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều đại biểu QH cho rằng hiện nay xăng dầu phải chịu nhiều loại thuế, phí, nếu tiếp tục thu thêm thuế bảo vệ môi trường sẽ tạo áp lực nặng nề lên chỉ số giá tiêu dùng. Nếu áp dụng mức thuế suất đối với xăng dầu như quy định của dự thảo Luật, cho dù có trừ phí xăng dầu thì giá bán vẫn sẽ tăng, dẫn đến tăng giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng dầu. Vì vậy, cần tính toán hợp lý để tránh gây tác động đến đời sống, giá thành sản phẩm, kiềm chế lạm phát, duy trì cân đối kinh tế vĩ mô.

A
Ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết để bảo vệ môi trường    Ảnh minh họa
Theo một số đại biểu, hiện nay còn khá nhiều loại sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nhưng dự thảo Luật chưa đưa vào diện chịu thuế, điển hình như thuốc lá, các loại hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tẩy rửa... Với quan điểm xác định rạch ròi “công – tội” của các loại sản phẩm gây ô nhiễm, có đại biểu không đồng tình với quan điểm cho rằng không nên đánh thuế bảo vệ môi trường đối với hóa chất bảo vệ thực vật vì sợ “nặng gánh” cho bà con nông dân. Bởi vì, việc đánh thuế những loại gây ô nhiễm vừa đảm bảo công bằng với các loại sản phẩm khác, vừa là một cách khuyến khích bà con chuyển sang sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không gây hại cho môi trường.

Nhiều đại biểu nhìn nhận, nguyên tắc “người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền, gây ô nhiễm nhiều trả tiền nhiều” chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Quy định như dự thảo Luật chỉ mới có ý  nghĩa hạn chế sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường mà chưa định hướng người tiêu dùng lựa chọn loại sản phẩm “xanh” hơn, ít gây ô nhiễm hơn.

      Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc