Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII

Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đang bị xâm hại

14:21, 04/06/2010

 

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình bày trước Quốc hội đã cho thấy: Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu, hay gần đây nhất là việc phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.
Theo thống kê của Bệnh viện K cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý là, từ năm 2004 đến năm 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người bị mắc và 321 người tử vong.
Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo kết quả tổng kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% vi phạm về chất lượng.
Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các quyền của người tiêu dùng một cách chung chung mà chưa có những cơ chế cụ thể để thực thi các quyền này. Chính vì vậy, mà công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Quy định của pháp luật hiện hành chưa xây dựng được một cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho rằng: Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng phải định rõ trách nhiệm trực tiếp, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhà nước, bên cạnh đó cũng phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Quyền của người tiêu dùng phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác.
Về các biện pháp giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, Ủy ban KHCNMT nhất trí với việc dự thảo Luật đã đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn cơ chế để cơ quan nhà nước có thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định rõ loại khiếu nại được giải quyết tại cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, phân biệt “khiếu nại” được thực hiện theo quy định của Luật này với khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; quy định rõ “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương” với “cơ quan quản lý chuyên ngành” là những cơ quan nào. Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan tư pháp…
                                                                             Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc