Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo

10:55, 21/06/2010
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Như vậy, trách nhiệm của nhà báo thật hết sức nặng nề và vẻ vang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam
Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy mà có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp nhân dân. Thông tin là chức năng cơ bản của báo chí, trách nhiệm của nhà báo là đáp ứng quyền được thông tin của các tầng lớp nhân dân. Niềm khao khát sáng tạo của những người làm báo chân chính, là đưa thông tin đến người đọc, người nghe, người xem một cách nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, đúng bản chất, thực chất nhằm tạo ra hiệu quả xã hội cao. Thông tin trên báo chí phải toàn diện chứ không phiến diện; không thổi phồng, tô hồng hoặc bôi đen; thông tin có phân tích, có bình luận, có định hướng, chứ không phải cứ tung ra, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo là ở chỗ xác định đúng vị trí và chức năng của mình, thông tin trung thực, khách quan, vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trước hết và trong bất cứ điều kiện nào, báo chí cũng luôn xác định rõ mục đích: góp phần xây dựng, củng cố niềm tin trong quần chúng, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo ra không khí phấn chấn, nỗ lực thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi nhà báo có cách nhìn xây dựng, chân tình, có trách nhiệm trong việc đánh giá, phân tích hoạt động của các tổ chức, cá nhân thì chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động tốt hơn và có hiệu quả hơn. Các tổ chức, cá nhân cũng cần bình tĩnh lắng nghe những thông tin trên báo chí để tự điều chỉnh, tự sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình hoạt động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với các cơ quan chức năng, đã và đang tạo nên sức mạnh to lớn trong việc phát huy các nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm lành mạnh xã hội, vì sự ổn định và phát triển của đất nước.
Để làm tốt trách nhiệm xã hội, mỗi nhà báo thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát yêu cầu công tác tư tưởng, lăn lộn trong thực tiễn, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời các cơ quan chức năng cần thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho các nhà báo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng nhau và giúp nhau những thông tin cần thiết để làm tốt nhiệm vụ của mình, vì sự phát triển chung của đất nước.
Báo chí là nghề rất cao quý, rất thiêng liêng, được cả xã hội nể trọng, cho nên mỗi nhà báo phải luôn phấn đấu giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để nâng cao trách nhiệm xã hội của người làm báo.
 
Trương Minh Thắng

Ý kiến bạn đọc