Multimedia Đọc Báo in

KỲ HỌP THỨ 14, HĐND TỈNH KHÓA VII

Tổng hợp trả lời ý kiến cử tri

11:22, 09/07/2010

Sau kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII, đại biểu HĐND tỉnh đã có các cuộc tiếp xúc với cử tri. Các ý kiến của cử tri đã phản ánh, kiến nghị về nhiều vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Báo Dak Lak xin tổng hợp, trích đăng ý kiến trả lời của các cơ quan có liên quan về các vấn đề cử tri quan tâm
Lĩnh vực công thương
* Ý kiến cử tri xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột kiến nghị tỉnh chỉ đạo Công ty Điện lực cải tạo, thay thế đường dây tải điện trục số 02, buôn Dhă Prong vì tuyến đường này dây điện nhỏ, điện yếu.
Trả lời: Khu vực đề nghị cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế 1 pha 2 dây (2Ax50mm2) thuộc trục đường số 02 buôn Dhă Prong, sau trạm biến áp T78 (ĐD471E48); địa phương đã đề nghị Công ty Điện lực Dak Lak (ĐLĐL) và Chi nhánh điện TP. Buôn Ma Thuột nâng cấp lưới điện tại các Tờ trình số 09/TTr-UBND, ngày 11-3-2008; số 22/TTr-UBND, ngày 24-4-2008. Chi nhánh điện Buôn Ma Thuột cũng đã đưa vào kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm; tuy nhiên do nguồn vốn có hạn nên Công ty ĐLĐL chưa đưa vào kế hoạch nâng cấp, cải tạo, thay thế ngay được. Đến nay, theo báo cáo của Công ty này, do vay được nguồn vốn tái thiết của nước Cộng hòa Liên Bang Đức (KFW), khu vực theo đề nghị của cử tri đã được đưa vào Dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối nông thôn và sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2012.
* Ý kiến cử tri huyện Buôn Đôn đề nghị Công ty ĐLĐL xem xét đường dây điện trên địa bàn xã Ea Nuôl hiện không đủ tải cho nhân dân dùng trong sản xuất nông nghiệp; đường điện của Công trình Thủy điện Sêrêpôk 3 kéo qua nhà dân có cam kết đền bù nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Trả lời: Hiện nay, khu vực điện yếu theo phản ánh của cử tri, tập trung ở buôn K’Đung, buôn Niêng 3 và thôn M’tha 2; buôn K’Đung và Niêng 3 sử dụng điện sau trạm biến áp T34 (ĐD471F16) dung lượng 75kVA- tài sản của Hợp tác xã điện nước Buôn Đôn; thôn M’Tha 2 sử dụng điện sau trạm biến áp T21 (ĐD471F16) dung lượng 160kVA- tài sản của Điện lực. Tất cả lưới hạ thế khu vực này có bán kính cấp điện dài ngoài phạm vi cho phép (từ 2km trở lên), tiết diện dây nhỏ, chất lượng điện năng kém và đang thuộc sự quản lý bán điện của Hợp tác xã điện nước Buôn Đôn. Để cải thiện chất lượng điện năng khu vực này, giao UBND huyện Buôn Đôn chỉ đạo Hợp tác xã điện nước Buôn Đôn, đồng thời có công văn đề nghị Công ty ĐLĐL sớm có kế hoạch tiếp nhận trạm biến áp T34 (buôn K’Đung), T29 (thôn Hòa Nam) để ngành điện có kế hoạch nâng dung lượng hoặc cấy thêm trạm, san tải khu vực trên. Còn về đường điện thủy điện Sêrêpôk 3 kéo qua nhà dân,  hiện nay Hội đồng đền bù huyện vừa ký Quyết định phê duyệt phương án đền bù, bồi thường bổ sung cho một số hộ dân bị thiệt hại do việc thi công đường dây 220kV Sêrêpôk 3- Buôn Kuôp, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục và sẽ chuyển tiền đền bù cho các hộ dân trong thời gian gần nhất.
* Cử tri xã Ea Ngai, huyện Krông Buk đề nghị ngành điện có kế hoạch quy hoạch cụ thể cho các trạm biến áp để cung cấp đủ điện cho nhân dân trong mùa tưới cà phê niên vụ 2010-2011.
Trả lời: Hợp tác xã điện Ea Ngai bàn giao lưới điện hạ thế khu vực trên cho Công ty ĐLĐL vào tháng 3/2010; hiện nay Chi nhánh điện Buôn Hồ đang sửa chữa, thay thế công tơ. Việc đề nghị bổ sung thêm các trạm biến áp tại các khu vực thôn 7, thôn 4 và giáp thôn 5 và thôn 8 theo đề nghị của UBND xã Ea Ngai để bảo đảm cung cấp đủ điện trong mùa tưới cà phê, địa phương cần có văn bản gửi ngành điện để sớm xem xét, có kế hoạch đầu tư nâng cấp, san tải các trạm khu vực trên.   
* Cử tri xã Ea Ning, Ea Wi, huyện Cư Kuin đề nghị các ngành chức năng sớm trả lời cho người dân biết về việc trước đây họ có đóng góp xây dựng đường điện ở địa phương nay chuyển giao cho Công ty ĐLĐL quản lý, theo chủ trương của Nhà nước, người dân sẽ được chi trả tiền đóng góp xây dựng ban đầu, nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện.
Trả lời: Việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học, trạm xá của các nông, lâm trường về địa phương quản lý thực hiện theo Quyết định số 255/2003/QĐ-TTg, ngày 1-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện bàn giao tài sản và xử lý vốn vay đầu tư tài sản theo Thông tư 48/2004/TT-BTC, ngày 01-6-2004 của Bộ Tài Chính. Theo đó, đối với bên giao tài sản, việc huy động vốn (huy động của dân, của cán bộ công nhân có giao ước trả nợ) nếu đến thời điểm bàn giao số còn nợ chưa trả thể hiện trên sổ sách kế toán và có biên bản đối chiếu xác nhận nợ thì được ngân sách nhà nước hổ trợ một phần kinh phí để thanh toán số nợ còn lại
Qua kiểm tra các biên bản bàn giao tài sản cố định (hệ thống điện) của Nông trường cà phê Chư Quynh, Công ty cà phê Ea Sim, Công ty cà phê Ea H’Nin… trên địa bàn huyện Cư Kuin, hầu hết các nguồn vốn dân góp đều không có giao ước hoàn trả và đến thời điểm bàn giao không còn nợ vay đầu tư chưa trả, do đó Nhà nước không có hỗ trợ một phần kinh phí để hoàn trả nợ cho đơn vị.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường
* Cử tri xã Cư Suê - huyện Cư M’gar kiến nghị các cấp, ngành có biện pháp xử lý kịp thời về Khu công nghiệp TP. Buôn Ma Thuột nằm giáp ranh với buôn Sut Mgrư, nhiều năm qua gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trả lời: Kết quả kiểm tra ngày 8-1-2010 của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) chủ trì về tình hình bảo vệ môi trường tại khu Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) TP. Buôn Ma Thuột, cho thấy hầu hết các nhà máy trong khu TTCN đều xử lý chất thải theo phương án cục bộ; ở đây hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do nước thải của khu TTCN thải ra là hoàn toàn có cở sở. Để khắc phục vấn đề trên, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, UBND tỉnh sẽ xem xét, giao cho các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sớm đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu TTCN này, đồng thời giao cho UBND TP. Buôn Ma Thuột chỉ đạo Ban quản lý cụm công nghiệp có biện pháp xử lý ngay lượng nước trong hồ chứa nước thải tạm thời; đình chỉ ngay các nhà máy xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa của cụm công nghiệp.
* Cử tri TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ kiến nghị: Việc ban hành Quyết định số 3213/QĐ-UBND, ngày 13-11-2009 của UBND tỉnh chuyển giao chứng thực hợp đồng, giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất do các phòng công chứng thực hiện đã gây ra những khó khăn, vướng mắc tại địa phương khi tổ chức thực hiện.
Trả lời: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3213/QĐ-UBND, ngày 13-11-2009, là tổ chức thực hiện các quy định mới của pháp luật. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương trên cả nước thực hiện quy định mới nói trên tại các văn bản: Công văn số 1939/BTP-BTTP, ngày 18-6-2009, Công văn số 3745/BTP-BTTP, ngày 26-10-2009…, trong đó nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm và nhiệm vụ xem xét, quyết định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch mà UBND cấp huyện, xã đang thực hiện sang tổ chức hành nghề công chứng ở địa bàn cấp huyện mà tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng được yêu cầu công chứng nhằm tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp, UBND cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Việc từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng là thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức. UBND cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định chuyển giao công tác chứng thực các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện v.v...
Như vậy, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3213/QĐ-UBND, ngày 13-11-2009 là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở Tư pháp đã tiến hành nhiều biện pháp như: củng cố trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường cán bộ và nhân viên cho các Phòng Công chứng, chỉ đạo Công chứng viên, nhân viên các Phòng Công chứng nhận thức thống nhất các quy định của pháp luật liên quan đến công tác công chứng, rèn luyện, nâng cao hơn nữa kỹ năng hành nghề, chú trọng phương pháp tiếp xúc, giải thích, hướng dẫn cho công dân, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân đến yêu cầu công chứng…
Còn đối với các kiến nghị chuyển giao lại việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho UBND cấp xã chứng thực như trước đây  là trái với quy định của pháp luật, đi ngược lại chủ trương, chính sách chung. Hơn nữa, khi các tổ chức hành nghề công chứng phát triển rộng khắp, đủ sức đảm đương nhiệm vụ này, khi đó sẽ tiến hành chuyển giao toàn bộ công tác này cho các tổ chức hành nghề công chứng đảm nhiệm. Đây là xu thế tất yếu trên địa bàn tỉnh ta cũng như địa bàn cả nước, theo đúng chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2006.

 
(Còn tiếp)
 

 


Ý kiến bạn đọc