Multimedia Đọc Báo in

KỲ HỌP THỨ 14, HĐND TỈNH KHÓA VII: Tổng hợp trả lời ý kiến cử tri (Tiếp theo)

15:53, 12/07/2010
LĨNH VỰC GIAO THÔNG THỦY LỢI
*Cử tri huyện Ea H’leo kiến nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư để thi công tỉnh lộ 15 và đường từ Km92 Quốc lộ 14 đi xã Ea Wy, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho nhân dân.
Trả lời: Tỉnh lộ 15 được UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1092/QĐ-UBND, ngày 21-6-2005, đồng thời UBND tỉnh đã có Công văn số 6600/UBND-CN, ngày 27-11-2009, về việc điều chỉnh kết cấu áo đường, hồ sơ đang được UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Đối với đoạn Km0 - Km18+231,5 do UBND huyện Ea H’leo làm chủ đầu tư đang triển khai thi công và cơ bản đã hoàn thành phần móng cấp phối đá dăm theo hồ sơ thiết kế được duyệt; riêng đoạn Km2  - Km6 chưa thi công, đã chuyển đổi nhà thầu.
Về vốn: Đề nghị UBND huyện Ea H’leo chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn kịp thời, tạo điều kiện cho Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Trong khi chờ vốn đề nghị UBND huyện đôn đốc tiến độ thi công và báo cáo phương án bảo đảm giao thông đoạn đang thi công không để tắc giao thông trong mùa mưa lũ sắp đến.
 
*Cử tri các xã Ea Kênh, Ea Knuếc huyện Krông Pak kiến nghị Sở GTVT  về địa phương khảo sát, nghiên cứu phương án giải quyết các điểm đen về tai nạn giao thông trên đoạn đường từ Km 17 đến Km 32, Quốc lộ 26 để tránh tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra.
Trả lời:  Quốc lộ 26 do Khu Đường bộ 5 quản lý, Công ty Cổ phần sửa chữa Đường bộ 26 là đơn vị trực tiếp duy tu bảo dưỡng; vấn đề này, UBND tỉnh giao Sở GTVT ghi nhận ý kiến đề xuất của cư tri và phối hợp với Ban an toàn giao thông, Cảnh sát giao thông tỉnh, Công ty cổ phần sửa chữa Đường bộ 26 và chính quyền địa phương lên phương án tổ chức khảo sát các vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông đoạn tuyến nói trên để có phương án giải quyết sớm nhất.
 
*Cử tri huyện Ea H’leo kiến nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm đầu tư các nguồn vốn xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn huyện để phục vụ đời sống sản xuất của người dân.
Trả lời: Huyện Ea H’leo đã có quy hoạch thủy lợi chi tiết các lưu vực sông suối trên địa bàn huyện được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 12-11-2008. Trong báo cáo quy hoạch đã tổng hợp toàn bộ những công trình  xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm tưới cho diện tích hiện có và diện tích tăng thêm (những nơi có điều kiện về nguồn nước, địa hình xây dựng được công trình). Đề nghị UBND huyện Ea H’leo dựa vào quy hoạch đã được phê duyệt và nhu cầu thực tế để trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư xây dựng theo trình tự xây dựng cơ bản hiện hành. Tùy theo điều kiện cụ thể và khả năng nguồn vốn, hằng năm tỉnh sẽ cân đối bố trí vốn để đầu tư xây dựng. Thực tế ở huyện Ea H’leo trong 2 năm 2009 và 2010, ngoài việc hoàn thiện các công trình thủy lợi vốn trái phiếu, vốn KuWait, huyện còn được đầu tư nâng cấp sửa chữa công trình thủy lợi Cư Mốt với tổng kinh phí 7,422 tỷ đồng, công trình thủy lợi Hà Dưng với tổng kinh phí 8,163 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ea H’leo 1 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015. (Công văn số 2593/TTg-KTN ngày 25-12-2009). UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư Dự án hồ chứa nước Ea H’leo 1, UBND huyện Ea H’leo làm chủ đầu tư hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư (Công văn số 756/UBND-NNNT ngày 22-2-2010). Dự án đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư, sau khi hoàn thành công trình này có khả năng tưới khoảng 3.000 ha cây trồng. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong năm 2012.
 
LĨNH VỰC  Y TẾ, GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
*Cử tri 15 huyện, thị xã, thành phố đề nghị ngành Y tế và Bảo hiểm xem xét giảm bớt thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế cho các đối tượng khi tham gia khám chữa bệnh, nhất là khi tái khám theo giấy hẹn của tuyến trên, bệnh nhân lại phải quay lại từ bệnh viện tuyến đầu nơi đăng ký bảo hiểm y tế để xin giấy chuyển viện mất nhiều thời gian, công sức và tốn kém.
Trả lời: Trong những năm qua, công tác khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế nói riêng đã được cải tiến nhiều về thủ tục hành chính, đặc biệt là từ Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT, về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, Sở Y tế Dak Lak đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT, kết quả trong năm 2008, 2009 nhiều thủ tục đã được cải tiến, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đối với thủ tục chuyển viện như ý kiến cử tri, Sở Y tế trả lời như sau:
- Trong trường hợp tái khám theo giấy hẹn của tuyến trên đối với các bệnh thông thường, bệnh nhân được trực tiếp đến khám lại tại tuyến trên mà không cần đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu làm thủ tục chuyển viện.
- Đối với trường hợp mắc các bệnh mãn tính điều trị dài ngày (có danh mục do Bộ Y tế quy định) người bệnh được đến khám lại tại cơ sở hẹn khám lại trực tiếp mà không cần làm thủ tục chuyển viện từ tuyến dưới.
- Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia khám chữa bệnh được đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào mà không cần giấy chuyển viện.
 
*Cử tri huyện Krông Bông đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm phụ cấp cho y tế thôn, buôn và cán bộ không chuyên trách cấp xã. Hiện nay phụ cấp còn quá thấp, không đáp ứng được đời sống và công việc .
Trả lời: Ngày 11-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg, về việc quy định chế độ phụ cấp đối với y tế thôn bản, trong đó, mức phụ cấp hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung được quy định như sau:
-  Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg
- Mức 0,3 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã còn lại.
Đối với tỉnh, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 31/2008/NQ-HĐND, ngày 19-12-2008, về việc “Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với viên chức ngành y tế tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2009 - 2013”. Các đối tượng nhận hỗ trợ phải chấp hành sự phân công công tác và cam kết làm việc trong ngành y tế tỉnh từ 5 năm trở lên với các mức cụ thể như sau:
Đối với nhân viên y tế thôn buôn, tổ dân phố: Nhân viên y tế thôn bản vùng III tăng từ 146.000đ/người/tháng lên 250.000đ/người/tháng, các vùng khác tăng từ 100.000đ/người/tháng lên 200.000đ/người/tháng.
Hiện nay, chế độ cho y tế thôn bản đã được tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chế độ.
 
*Cử tri xã Ya Lốp – Ea Súp đề nghị Nhà nước tăng biên chế cán bộ y tế cho Trạm Y tế xã, do điều kiện quá xa Trung tâm Y tế huyện. Đề nghị cấp phương tiện cho Trạm xá cấp xã để chuyển bệnh nhân khi chuyển tuyến.
Trả lời: Về nội dung này, Sở Y tế đã có Công văn trả lời số 79/SYT-TCCB, ngày 29-3-2010 như sau: Xã Ia Lốp có dân số 4.322 người, cách trung tâm huyện Ea Súp khoảng 55 km, Trạm Y tế xã có 5 biên chế, gần Bệnh xá Trung đoàn 725 thuộc Binh đoàn 16 đóng trên địa bàn xã rất thuận lợi cho công tác kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Căn cứ Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV, ngày 5-6-2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước. Theo mục IV định mức biên chế cho xã, phường, thị trấn; tại điểm 1 và 2 quy định: Biên chế tối thiểu 5 biên chế cho 1 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đối với xã miền núi, hải đảo trên 5.000 dân,  tăng 1.000 dân thì tăng thêm 1 biên chế cho trạm, tối đa không quá 10 biên chế/1 trạm . Dân số xã  Ia Lốp là: 4.322 người, như vậy, biên chế của Trạm y tế Ia Lốp hiện có là không thiếu theo quy định hiện hành. Để nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã, Sở Y tế đề nghị UBND xã Ia Lốp có kế hoạch cùng với ngành y tế xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã trong những năm đến. Còn về việc đề nghị cấp phương tiện cho trạm y tế để vận chuyển bệnh nhân khi chuyển tuyến, hiện tại chưa có văn bản nào quy định về việc trang bị phương tiện xe vận chuyển bệnh nhân cho Trạm y tế  xã, ở cấp huyện chỉ trang bị phương tiện cho Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế huyện để vận chuyển bệnh nhân và phòng chống dịch, vì vậy Sở Y tế không có cơ sở để trình các cấp có thẩm quyền cấp xe cho Trạm y tế xã Ia Lốp.
 
*Ý kiến của cử tri 15 huyện, thị xã, thành phố về chủ trương tăng học phí của ngành giáo dục hiện nay gây nhiều khó khăn, nhất là các gia đình khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số không đủ điều kiện nuôi con ăn học.
Trả lời: - Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-6-2010 của Chính phủ về qui định miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015, có hiệu lực từ 1-7-2010. Trong đó, đã qui định cụ thể đối tượng không phải đóng học phí; miễn, giảm học phí; được hỗ trợ chi phí học tập; không thu học phí có thời hạn để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng diện chính sách. Đối với học sinh mầm non và phổ thông, mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình mỗi vùng.
Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thu, chi học phí trong trường học tại tỉnh, trong quá trình xây dựng đề án, các nội dung đối với đối tượng chính sách, mức thu theo vùng được chú ý để bảo đảm quyền lợi cho nguời học, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH – XÃ HỘI
*Cử tri các huyện: M’Drak, Krông Năng, Ea Súp, Krông Pak, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột kiến nghị HĐND, UBND tỉnh cần tăng thêm kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như mức phụ cấp của cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể, vì  mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ này quá thấp không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của công việc.
Trả lời: Mức phụ cấp đối với cán bộ Mặt trận; các tổ chức Đoàn thể cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, buôn, tổ dân phố hiện hưởng theo Nghị quyết số 08/2008/NQ-HĐND, ngày 8-10-2008 của HĐND tỉnh. Ngày 22-10-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP), nhưng đến nay Liên Bộ chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, thì UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu xây dựng Đề án trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
 
*Kiến nghị của cử tri 2 huyện Krông Pak và Krông Năng đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm chế độ phụ cấp cho Hội Người cao tuổi vì hiện nay Hội Người cao tuổi huyện hoạt động không có kinh phí và hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ làm công tác Hội.
Trả lời: Ngày 5-9-2007, Bộ Nội vụ nhận được Công văn số 371/2007-NCT của Hội Người cao tuổi Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho Ban đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, huyện nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ Nội vụ đã tham khảo ý kiến Bộ Tài chính và trả lời tại Công văn số 372/BNV – TC, ngày 05/02/2008. Sở Nội vụ xin được trích tại mục 2 của Công văn trên như sau: “Hoạt động của Ban đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, huyện được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động theo quy định Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg, ngày 29-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước. Tùy theo tình hình cụ thể và khả năng thực tế địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện quyết định kinh phí hoạt động hằng năm, bao gồm lương, phụ cấp cán bộ cho Ban đại diện Hội Người cao tuổi.
Như vậy, để có kinh phí và hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ làm công tác Hội Người cao tuổi huyện Krông Pak và Krông Năng đề nghị Ban Đại diện Hội Người cao tuổi 2 huyện làm việc với Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Nội vụ của huyện để được hướng dẫn và lập kế hoạch kinh phí hằng năm của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện trình HĐND cấp huyện xem xét và quyết định.
 
*Cử tri xã Hòa Phú, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pak đề nghị tỉnh quan tâm tăng nguồn vốn vay cho sinh viên và hộ nghèo, vì với mức được vay hiện nay là quá ít, không đủ đầu tư và phát triển kinh tế; việc giải ngân cho sinh viên còn quá chậm, gây khó khăn cho sinh viên nghèo.
Trả lời: Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, trong những tháng đầu năm 2010, nguồn vốn để cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo về nhà ở gặp khó khăn do Trung ương (TƯ) không cân đối đủ vốn để chuyển về Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh theo kế hoạch đăng ký. Đến ngày 29-4-2010, Ngân hàng Chính sách Xã hội TƯ đã cân đối nguồn vốn bổ sung và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng kế hoạch được giao. Theo đó, nguồn vốn cho vay năm 2010 của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là 772 tỷ đồng, tăng 121,2% so với năm 2009; cho vay hộ nghèo là 772 tỷ đồng, tăng 23,74% so với năm 2009. Mức cho vay đối với hộ nghèo được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn, vốn tự có và khả năng trả nợ của từng hộ vay. Mức dư nợ cho vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ.
Đối với chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: theo điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ được căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt theo vùng nhưng không vượt quá 800.000 đồng/tháng/1 sinh viên. Hiện nay, theo điều chỉnh của Quyết định 1344/QĐ-TTg, ngày 26-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ là 860.000 đồng/tháng/1 sinh viên (tối đa là 8.600.000 đồng/sinh viên/năm học).
Việc giải ngân cho sinh viên còn chậm, gây khó khăn cho sinh viên nghèo là do trong những tháng từ cuối năm 2009 đến tháng 2-2010, nguồn vốn TƯ chuyển về là không đủ đáp ứng kịp thời nhu cầu vay. Từ tháng 3-2010, được Hội sở bổ sung nguồn vốn, Chi nhánh đã giải ngân toàn bộ hồ sơ vay vốn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội rút kinh nghiệm, cần phối hợp chặt chẽ với các xã, các tổ chức đoàn thể trong việc bình xét, xử lý hồ sơ cho vay nhanh chóng, kịp thời hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho  khách hàng vay vốn.
 
L.H (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.