Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo khoa học “Tìm hiểu về chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”

18:41, 25/11/2010
Ngày 25-11, Khoa Triết - Chủ nghĩa xã hội khoa học và Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tìm hiểu về chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các giảng viên nhà trường với việc tập trung làm rõ quá trình hình thành, phát triển và bản chất của chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
 
Hội thảo thống nhất với một nhận định chung là “diễn biến hòa bình” trong giai đoạn hiện nay có nhiều nét mới, với nhiều âm mưu thủ đoạn khó lường ; theo đó, chống “diễn biến hòa bình”  là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, không biên giới. Trên phạm vi thế giới cũng như trong nước, chiến lược “diễn biến hòa bình” núp bóng, ngụy trang trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tư tưởng văn hóa, dân tộc nhưng đều chung bản chất là chống phá chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc. Và mức độ nguy hiểm, thâm độc của những âm mưu, thủ đoạn chống phá ấy chính là ở chỗ không bằng vũ trang quân sự mà bằng phi vũ trang, phi quân sự. Các thế lực thù địch thông qua phương thức, phương tiện hiện đại để chống lại hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa trên thế giới và Việt Nam trên các mặt như: lợi dụng các cuộc cách mạng thông tin và toàn cầu hóa; lợi dụng xu thế hợp tác để thực hiện “diễn biến hòa bình” về ý thức hệ; sử dụng người bản xứ làm công cụ “diễn biến hòa bình”; chú trọng diễn biến tư tưởng thế hệ trẻ; lợi dụng yếu tố tâm linh, tự do tín ngưỡng, tôn giáo… Việt Nam là một trong những trọng tâm chống phá của chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, những khó khăn của đất nước, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để làm giảm lòng tin của một bộ phận người dân vào lý tưởng của Đảng, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của công cuộc đổi mới…
 
Cùng với việc phân tích, chỉ rõ những biểu hiện, âm mưu, thủ đoạn tinh vi với nhiều nét trong chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn hiệu quả chiến lược này nhất là trong thời kỳ Việt Nam đang tiến hành mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mở rộng quan hệ hợp tác. Đó là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phải gắn với quốc phòng an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cảnh giác, chủ động phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên…   Riêng với Tây Nguyên, các vấn đề: phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ vững về chính trị, tư tưởng… có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay.
 

Lương Nam

 

 


Ý kiến bạn đọc