Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Tăng cường các biện pháp giảm bội chi ngân sách, tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán
Trong hai ngày 3 và 4-11, Quốc hội đã thảo luận về tình hình thu – chi ngân sách năm 2010, dự toán ngân sách năm 2011; thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đo lường, dự án Luật Thủ đô và Báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2010 ước đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009. Hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán; bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.
Nợ công và bội chi ngân sách là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công bằng 56,7% GDP, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho biết, theo tính toán của chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của chúng ta không dưới 70% GDP. Các đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cùng với các bộ, ngành rà soát lại cách tính có phản ánh đúng bản chất cân đối thu chi ngân sách, có phù hợp với các định chế tài chính quốc tế hay không để báo cáo rõ hơn với Quốc hội, Chính phủ, từ đó có những chính sách đúng đắn. Ý kiến đại biểu cho rằng, nên bố trí một khoản tương đối từ phần vượt thu để giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 5,5%, bởi nếu cứ để mức bội chi cao, kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Về kế hoạch thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, nhiều đại biểu đề nghị, cần triển khai những giải pháp mang tính dài hạn, trong đó cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống và đổi mới cơ cấu thu, tăng tính bền vững và ổn định của ngân sách Nhà nước. Về chi ngân sách, các đại biểu cũng đề nghị phải rà soát, sắp xếp và bố trí lại kế hoạch đầu tư. Lĩnh vực được lựa chọn không nhất thiết phải là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả kinh tế cao nhất mà là lĩnh vực có khả năng mở rộng, có tiềm năng phát triển của nền kinh tế. Trong lĩnh vực chi cho an sinh xã hội các đại biểu đề nghị cần tiếp tục được ưu tiên trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh gia tăng và giá cả leo thang. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị, trong bố trí ngân sách, cần tăng cường hơn nữa kinh phí cho người nghèo, xã, huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó có kinh phí cho việc xây dựng nông thôn mới. Có như vậy mới sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn vào thành thị.
Thảo luận tại tổ về các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, các đại biểu đồng tình với những lý do trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển khá nhanh chóng của thị trường chứng khoán. Trên cơ sở tổng kết, rà soát thực tiễn áp dụng Luật Chứng khoán 3 năm qua, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều của Luật hiện hành. Nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như chào bán chứng khoán riêng lẻ; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào mua công khai; thị trường giao dịch chứng khoán; điều kiện thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công bố thông tin và xử lý vi phạm.
Bàn về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đều cho rằng, không nên quy định như Luật hiện hành là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính mà nên là một cơ quan có tư cách độc lập bởi hiện Bộ Tài chính đã phải thực hiện rất nhiều công việc, nếu cứ tập trung như vậy thì Bộ cũng không thể quản hết được các phần việc và việc Bộ trực tiếp quản lý vào một nơi kinh doanh như vậy cũng dễ xảy ra sai sót. Hơn nữa, việc trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay sẽ làm hạn chế sự kịp thời trong việc xử lý những vấn đề phát sinh trong diễn biến của thị trường.
Về quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên thị trường chứng khoán, đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế cho rằng, thị trường phát triển không ngừng và theo đó phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật dưới hình thái mới mà Luật không thể cụ thể hóa hết các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Bởi vậy, việc bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 120 (Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên thị trường chứng khoán là hợp lý.
Ngoài các vấn đề thảo luận trên, các đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung những quy định chặt chẽ về việc các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn Nhà nước kinh doanh trên thị trường chứng khoán nhằm tránh việc thất thoát vốn ngân sách Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc