Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội: Quản lý chặt nợ công, đổi mới công tác quy hoạch
Ngày 1-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, cũng như đánh giá khách quan của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kết quả và một số vấn đề tồn tại cần khắc phục, về chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc điều hành phát triển kinh tế -xã hội năm 2011. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây là thành quả điều hành quyết liệt của Chính phủ. 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,8% so với năm trước, vốn đầu tư xã hội tăng khá, số lượng doanh nghiệp đăng ký lớn, chứng tỏ môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, đặc biệt nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng trở lại sau thời kỳ suy giảm tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là những dấu hiệu quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nỗi lo về giá cả thị trường thế giới tăng cao gây áp lực đến thị trường trong nước, đặc biệt hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp Nhà nước chưa được cải thiện. Tình trạng chậm trễ, sử dụng kém hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước còn khá phổ biến, mặt bằng lãi suất luôn ở mức khá cao. Cho dù cơ quan Nhà nước đã có nỗ lực nhất định, nhưng các quyết định điều hành chính sách tiền tệ còn nặng tính hành chính, chưa sát với thực tiễn của diễn biến thị trường. Những yếu tố này, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế, giảm môi trường đầu tư.
Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao và chỉ số lạm phát ở mức 8,64% và 2 tháng cuối năm có thể tiến tới 2 con số. Đây là vấn đề cần suy nghĩ và cân nhắc vì tăng trưởng kinh tế mà không gắn với đời sống kinh tế tăng lên thì chất lượng tăng trưởng là thấp. Về vấn đề nợ công, theo báo cáo nợ Chính phủ là 44,5%, trong đó nợ nước ngoài là 42,2%. Tuy nhiên, nếu tính đúng, tính đủ theo Luật Đầu tư công thì chỉ số nợ đầu tư công còn cao hơn hiện nay. Bởi lẽ, chúng ta chưa tính hết đến các khoản nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp của Nhà nước vay, nợ trái phiếu Chính phủ của doanh nghiệp mà Chính phủ sẽ phải bảo lãnh. Do vậy, nợ công của Việt Nam đang tiệm cận đến những vấn đề không an toàn.
Hiện nay, có nhiều dự án vay vốn của doanh nghiệp nhà nước mang lại hiệu quả thấp, chưa nói là làm mất đi khá nhiều vốn, làm tiềm ẩn những nguy cơ. Bên cạnh đó, khoản nợ nước ngoài 42,2% chỉ cần tính theo chênh lệch tỷ giá USD, EUR, Yên đang bị trượt giá rất nhiều cũng kéo theo khoản nợ hàng tỷ USD đối với nền kinh tế. Đại biểu đề nghị cần đặt khoản nợ công vào sự kiểm soát đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế -xã hội cao hơn.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, trong những năm qua, công tác quy hoạch của chúng ta còn nhiều bất cập về tầm nhìn và chất lượng. Việc các quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo dẫn đến các quy hoạch rời rạc, chắp vá, thiếu liên kết bền vững, không hiệu quả, gây lãng phí về cơ hội về tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực. Do thiếu tầm nhìn, nên chỉ trong 12 năm, Bộ Xây dựng đã phải trình Thủ tướng Chính phủ 4 lần điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng do bị vỡ quy hoạch, cung vượt quá cầu. Với 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm, năm 2010, cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn xi măng. Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, quy hoạch ngành thép có nguy cơ bị đổ bể, Bộ Công thương đã phải soạn thảo Đề án trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch ngành thép do nguyên nhân là nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Trong số 65 dự án thép có tới 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, song chưa được ý kiến chấp nhận của Thủ tướng Chính phủ, hoặc ý kiến thỏa thuận của Bộ Công thương. Đó là hiện tượng “tiền trảm, hậu tấu” trong quy hoạch. Đến nay, tổng công suất thép cả nước đã lên tới trên 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn.
Một nghịch lý đang diễn ra là trong khi nhiều ngành công nghiệp là nạn nhân của ngành điện, thì đến lượt mình, ngành điện lại là nạn nhân. Quy hoạch điện 6 có nguy cơ bị phá vỡ do thiếu than. Mỗi năm, ngành công nghiệp khai thác than xuất khẩu tới 50% sản lượng, trong khi đó 31 nhà máy nhiệt điện đang “đói” than từng ngày, dự kiến sẽ phải nhập khẩu tới 8 triệu tấn than/năm. Hàng chục nhà máy xi măng và hàng nghìn xí nghiệp gốm sứ, vôi, gạch, thủ công mỹ nghệ phải ăn đong than từng giờ. Nhiều nhà máy, phân xưởng có nguy cơ ngừng sản xuất do thiếu than.
Bên cạnh đó, các quy hoạch khoáng sản, thuỷ lợi, thủy điện, quy hoạch giao thông cũng đang có những vấn đề đặt ra. Thực trạng ở những khu công nghiệp, khu chế xuất cũng không mấy sáng sủa. Trong hơn 20 năm qua, cả nước đã hình thành một hệ thống trên 130 khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm 26.517 ha đất tự nhiên, song nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tuy được hình thành nhưng không được lấp đầy, gây nên tình trạng lãng phí quỹ đất. Nhiều quy hoạch “treo” cả chục năm, trong khi người dân thiếu đất canh tác. Các ngành này chưa có sự liên kết hài hòa giữa quy hoạch ngành với quy hoạch lãnh thổ, chưa gắn kết và thúc đẩy mục tiêu quốc gia, chưa giải được bài toán quy hoạch vùng nguyên liệu với quy hoạch sản xuất nên không tận dụng được lợi thế so sánh, đôi khi còn cạnh tranh gay gắt, xung đột lợi ích ngay trong khu công nghiệp, khu chế xuất, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau, không cộng hưởng nguồn lực, khó tạo ra giá trị gia tăng. Ngoài ra, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu dân cư còn đang mất cân đối nghiêm trọng giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội.
Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, trước khi xây dựng quy hoạch cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng; phải có đội ngũ làm quy hoạch chuyên nghiệp và phải có những hội đồng thẩm định quy hoạch khách quan, khoa học, độc lập, công tâm, có tầm nhìn, vì lợi ích quốc gia, không bị chi phối bởi nhóm lợi ích, hoặc lợi ích trước mắt của ngành, địa phương mình. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch các quy hoạch để nhân dân và các tổ chức giám sát. Huy động tối đa tiềm năng, thế mạnh các chuyên gia, đội ngũ các nhà khoa học tham gia phản biện cho các quy hoạch này…
Xung quanh việc thảo luận tại hội trường, các vấn đề như: trách nhiệm trong sai phạm của Vinashin, vấn đề thiếu điện kéo dài cũng được nhiều đại biểu phát biểu sôi nổi, quyết liệt và yêu cầu cần có sự quy kết trách nhiệm rõ ràng…
Ý kiến bạn đọc