Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

09:36, 03/11/2010

Ngày  2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trình bày trước Quốc hội về Dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên. Bộ Tài nguyên – Môi trường đã xem xét rất kỹ báo cáo tác động môi trường của dự án do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập và kết luận bảo đảm an toàn. Bộ cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định 21 người, gấp ba lần số lượng thành viên hội đồng bình thường, với hầu hết các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ… có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực môi trường mỏ và khai khoáng, tuyển khoáng, hóa học, công nghệ xử lý nước, xử lý chất thải rắn, khí thải, địa chất  môi trường, địa chất công trình, địa chất thủy văn, xã hội học, sinh học, khí tượng, khí tượng thủy văn thuộc những đơn vị, viện nghiên cứu khác nhau. Các đoàn khảo sát của Bộ Tài nguyên-Môi trường đã khảo sát rất kỹ việc khai thác bôxít ở vùng Bắc Brazil, nơi cũng khai thác loại quặng bôxít tương tự loại quặng ở Tây Nguyên. Theo Bộ trưởng, những nơi nào có rừng đặc dụng, khu văn hóa, lịch sử thì dự án dứt khoát không tiến hành và việc khai thác đảm bảo không cạn kiệt trữ lượng hiện có của Tây Nguyên.
Về câu hỏi nước có tràn vào hồ bùn đỏ hay không? - Bộ trưởng khẳng định - khu vực xây dựng hồ bùn đỏ nằm trong thung lũng, xung quanh có đồi bát úp bao bọc và chỉ có một hướng thoát nước. Thung lũng này chỉ tiếp nhận nước mưa chảy tràn từ phần sườn đồi nằm trong phạm vi giữa các đường phân thủy của những ngọn đồi bao bọc xung quanh bao xung quanh (diện tích khoảng 300-400 ha). Thung lũng không tiếp nhận nước từ các lưu vực khác đổ tới. Liên quan đến khả năng hoàn thổ các khu vực sau khai thác, Bộ trưởng cho biết, khu mỏ được chia làm nhiều khu vực khai thác và khai thác dứt điểm khu này mới chuyển sang khai thác khu khác. Lớp đất hoàn thổ khoảng 2m ở Tây Nguyên là đủ dày để trồng được nhiều loại cây. Thậm chí, sau khi hoàn thổ, do lớp bôxít đã được bóc, nhiều loại cây thân gỗ lớn có bộ rễ sâu sẽ thích ứng. Học tập mô hình của Brazil, hồ chứa bùn đỏ được chia thành nhiều ô để bảo đảm an toàn, khác với mô hình của Hungari. Hiện tại, Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đã yêu cầu TKV đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn nhất về xử lý bùn đỏ, kể cả phương án tràn bùn đỏ. Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ Tài nguyên-Môi trường tiếp tục lắng nghe ý kiến của toàn xã hội về dự án này, trong đó Bộ đã chuẩn bị hẳn một phòng tài liệu về dự án để cung cấp cho bất cứ ai còn quan tâm, thắc mắc về khai thác bôxít ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng báo cáo của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chưa làm an lòng cử tri cả nước. Ông phân vân, không biết sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, đoàn giám sát của bộ đã đi tìm hiểu chưa. Người dân càng ngày càng quan tâm, trả lời của người có trách nhiệm thì chưa rõ ràng, trong khi đó biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp. Phát biểu về việc triển khai dự án bôxit ở Tây Nguyên, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: những vấn đề an toàn môi trường như sự cố bùn đỏ ở Hungary, thiên tai liên tục ở Indonesia và những trận lũ lịch sử mới xảy ra tại khu vực miền Trung càng làm cho dự án bôxít ở Tây Nguyên đáng lo ngại hơn. Chính phủ và Quốc hội cần làm rõ hơn về vấn đề này để “an dân”. Bài học về Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bôxít. Nếu Vinashin gây thất thoát về tiền của thì hậu quả của bôxít có thể vô cùng lớn, gây tác động và ảnh hưởng đến toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đã báo cáo về công tác kiểm tra vốn, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Riêng về vụ việc của Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện Vinashin thành lập quá nhiều công ty con, cháu; đầu tư dàn trải, không hợp lý, chủ yếu dựa trên vốn vay; phân bố vốn dàn trải cho quá nhiều đơn vị. Bộ trưởng cho biết, ngay từ năm 2008, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về hoạt động của Vinashin và Chính phủ đã có những chỉ đạo đối với hoạt động của tập đoàn như yêu cầu Vinashin cắt giảm nhiều dự án, cân đối lại vốn vay... cho đến khi phải tái cơ cấu tập đoàn này. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận có quá nhiều bài học phải rút ra từ vụ việc này, đặc biệt là việc tuy phân cấp, phân quyền nhưng vẫn phải thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, còn là những lỗ hổng, lỏng lẻo trong các quy định, hành lang pháp lý quản lý tập đoàn, tới đây đòi hỏi phải hoàn thiện lại.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng “bài học Vinashin” cho thấy những lúng túng trong công tác điều hành, Nhà nước đã buông lỏng quản lý. Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đề nghị phải đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

H.T (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc