Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ
Nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền về công tác dân vận
Công tác dân vận là một trong những công tác quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó, công tác dân vận của chính quyền càng có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị 18-CT/TTg ngày 21-9-2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận, 10 năm qua, các cấp chính quyền ở Dak Lak đã đặc biệt coi trọng công tác cải cách hành chính, cải cách về tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ then chốt và trọng tâm của chính quyền các cấp nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, từng bước chuyển đổi và hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghịêp và nhân dân. Nhờ vậy, đến nay, đã có 13/27 sở, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện Đề án cải cách hành chính theo mô hình “một cửa”; 15/15 huyện, thị, thành phố và 184/184 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”. Các cơ quan, đơn vị từng bước nâng cao chất lượng xử lý, giải quyết các công việc cho tổ chức, công dân; đơn giản và công khai hoá thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính đúng pháp luật; một số đơn vị có sự điều chỉnh, đổi mới và áp dụng công nghệ thông tin, quản lý chất lượng theo quy trình gắn với bộ phận “một cửa” trong công tác quản lý điều hành. Nhờ đó, các lĩnh vực người dân có nhiều bức xúc như: nhà đất, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công chứng, chứng thực, hộ tịch... đã được giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 130-NĐ/CP và Nghị định 14-NĐ/CP của Chính phủ về sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian qua là sự thay đổi tích cực trong tổ chức bộ máy hành chính các cấp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước theo Nghị định 130-NĐ/CP của Chính phủ để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân tài và phân cấp quản lý tổ chức bộ máy cán bộ, công chức, viên chức giúp các cơ quan, đơn vị chủ động được nguồn nhân lực, xây dựng cơ cấu cán bộ hợp lý, phù hợp với quản lý chuyên môn của từng đơn vị. Việc cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính theo chức trách, nhiệm vụ đang đảm nhận. Trong 10 năm qua, tổng số cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng là 111.318 lượt người, trong đó: cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện 1.288 lượt; công chức hành chính 4.924 lượt, viên chức sự nghiệp 1.840 lượt; cán bộ, công chức cấp xã 46.949 lượt, cán bộ không chuyên trách làm việc ở xã và ở thôn, buôn, tổ dân phố 56.128 lượt, cán bộ dự nguồn 189 lượt.
Song song với việc cải cách nền hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, tăng cường cán bộ công chức đi cơ sở kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện Pháp lệnh 34 về dân chủ ở xã, phường, thị trấn từng bước được thực hiện tốt, đúng quy trình. Những nội dung quy định công khai, thông báo cho dân biết, dân bàn và dân kiểm tra được các cấp chính quyền thực hiện, thể hiện rõ nhất là: bình xét hộ nghèo, tuyển chọn thanh niên nhập ngũ, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng, đóng góp xây dựng nhà tình thương, thực hiện các chính sách xã hội ...Các nội dung dân biết, dân bàn để HĐND và UBND quyết định đã được thực hiện tốt hơn thể hiện qua việc được trao đổi, thông báo công khai trực tiếp thông qua các kỳ họp HĐND, các cuộc họp dân và các cuộc tiếp xúc cử tri, công khai bằng văn bản tại trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi công cộng.
Hệ thống Mặt trận và các đoàn thể là lực lượng quan trọng trong việc vận động toàn hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia phối hợp với các cấp chính quyền, các sở, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Đến nay, chính quyền đã xây dựng được quy chế phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số đoàn thể khác. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư đã được thực hiện tốt tại các địa phương trong tỉnh. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, các địa phương phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và các hội quần chúng, hội nghề nghiệp hoạt động, vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước. Một trong những phong trào đạt kết quả nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua việc thực hiện phong trào này đã tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực của nhân dân để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc .
Qua 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị 18-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản đã tạo được sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động về công tác dân vận thể hiện qua phong cách, tác phong làm việc theo hướng “gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” thể hiện được bản chất của nhà nước ta là Nhà nuớc “của dân, do dân vì dân”. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân vận của Đảng, có biểu hiện xem nhẹ công tác dân vận của chính quyền nên trong thực thi nhiệm vụ chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình, còn gây phiền hà cho dân đến quan hệ công việc hành chính. Ngoài ra, sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể chính trị xã hội để thực hiện công tác dân vận có lúc chưa chặt chẽ, còn có tư tưởng coi nhẹ công tác dân vận.
Để công tác dân vận của chính quyền trong thời gian tới đạt kết quả, ngoài việc tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng nếp sống văn minh công sở, tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phối hợp hoạt động giữa các cơ quan ban ngành của địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Một trong những vấn đề quan trọng vẫn là gắn đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của chính quyền với tổ chức phong trào thi đua yêu nước, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ý kiến bạn đọc