Bài học từ một nhiệm kỳ Quốc hội
Nhiệm kỳ QH Khóa XII hoạt động trong bối cảnh trong nước và quốc tế có rất nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Tuy nhiên, dư luận xã hội đánh giá nhiệm Quốc hội XII là nhiệm kỳ “dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả”. Đây là một phần thưởng lớn cho ĐBQH khóa XII.
Về lập pháp: Mặc dù thời gian rút ngắn 1 năm so với nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thông qua được 67 luật, 12 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua 13 pháp lệnh, 7 nghị quyết. Trung bình mỗi năm thông qua 17 luật, thuộc loại cao nhất từ trước tới nay. Đây là nỗ lực lớn thể hiện vai trò của Quốc hội trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế (1)
Về giám sát: Có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách thức tiến hành giám sát theo hướng tăng cường giám sát chuyên đề và giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội.(2) Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống như giám sát việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương; về vệ sinh an toàn thực phẩm…Công tác chất vấn và trả lời chất vấn được dành thời lượng thích đáng trong các kỳ họp của QH và đã được triển khai thêm tại một số phiên họp của UBTVQH. Nội dung chất vấn được cải tiến, tiếp cận sát hơn với các vấn đề cử tri cả nước quan tâm như các vấn đề: quy hoạch đất đai, quản lý cấp phép sân golf; giám sát khai khác Bauxit Tây nguyên, việc điều hành thu mua xuất khẩu gạo; quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, về quản lý tập đoàn công nghiệp tầu thủy Việt Nam (Vinashin)…
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Nhiệm kỳ QH12 cũng là nhiệm kỳ QH quyết định nhiều vấn đề quan trọng mang tính bước ngoặt như Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận, về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và kéo dài nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân; điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội; về chưa đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam; về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước; về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…Các quyết định này đều được Quốc hội xem xét thận trọng, bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai và được dư luận xã hội quan tâm đồng tình ủng hộ.
Sở dĩ, Quốc hội đạt được kết quả trên, theo chúng tôi có 5 nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, do tính chuyên nghiệp của Quốc hội được chú trọng hơn. Quốc hội 12 có 493 đại biểu, với UBTVQH, 10 Hội đồng và Ủy ban của QH. Việc tăng thêm 2 Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên 145 ĐB, cũng như đổi mới tổ chức và hoạt động của các Ủy ban của QH đã giúp QH có cơ sở khoa học khi xem xét, quyết định các vấn đề có tính chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đa diện. Thí dụ: khi quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận là dự án mới, chưa có thực tiễn quản lý ở Việt Nam đòi hỏi các đại biểu, các Ủy ban chuyên môn phải tập trung nghiên cứu về an toàn hạt nhân, công nghệ, nhu cầu năng lượng, khả năng đầu tư vốn…để có cơ sở báo cáo Quốc hội quyết định.
Hai là, trách nhiệm của các ĐBQH được nâng cao. Điều này có thể thấy rõ qua chất lượng văn bản trình Quốc hội, ý kiến góp ý của các ĐBQH cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo giám sát và giám sát tối cao tại các kỳ họp QH, các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các phiên chất vấn. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy việc đăng ký phát biểu của các ĐBQH nhiều hơn, thể hiện rõ chính kiến hơn; các quyết định của các ĐBQH được thận trọng hơn và có trách nhiệm hơn khi biểu quyết. Thí dụ: khi ĐBQH biểu quyết với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, 37,53% đại biểu tán thành, 42,19% đại biểu không tán thành, 22,18% không biểu quyết)...
Ba là, tính minh bạch trong hoạt động của QH được tăng cường. Các phiên họp của QH, UBTVQH, Hội đồng và Ủy ban của QH đều có sự tham gia của giới truyền thông; số lượng các buổi truyền hình hình trực tiếp về tình hình kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn được tăng cường. Việc đăng tải thường xuyên, hàng ngày trên báo chí hoạt động của QH, các cơ quan của QH là “cơ hội” để QH, UBTVQH, các cơ quan của QH báo cáo với cử tri kết quả hoạt động, tiếp nhận thông tin phản hồi đồng thời cũng là kênh thông tin để cử tri cả nước giám sát hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Điều này cũng làm cho các ĐBQH thấy trách nhiệm hơn khi phát biểu, góp ý kiến.
Bốn là, trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu Quốc hội được phát huy, thể hiện mạnh mẽ hơn…Điều này thấy rõ trong các phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, chất vấn Chính phủ trong điều hành, quản lý về điều hành chính sách tiền tệ, ngân sách nhà nước, xuất khẩu gạo, điều hành Tập đoàn Vinashin…Các ý kiến chất vấn của các vị ĐBQH rất thẳng thắn, khách quan, không né tránh, có phân tích, bình luận khách quan trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Qua đây, thấy rõ sự đầu tư thời gian, trí tuệ, năng lực của các ĐBQH khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu của dân.
Năm là, do tính dân chủ hoạt động của Quốc hội được chú trọng phát huy.
Quốc hội với đặc trưng là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tính dân chủ trong hoạt động của QH được thể hiện rõ trong việc phát huy trí tuệ tập thể khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp thu, giải trình các ý kiến trái chiều, trong việc chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong điều hành quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, dân chủ trong biểu quyết và thể hiện trách nhiệm ĐBQH.
Theo chúng tôi, 5 vấn đề trên đã kết hợp hài hòa, chặt chẽ tạo ra bản sắc, hiệu quả hoạt động của QH khóa XII.
Từ thực tế hoạt động của QH khoá XII, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, để Quốc hội thực hiện tốt trọng trách của mình thì QH cần nghiên cứu, hoàn thiện để làm tốt mấy vấn đề sau:
Một là, cần sớm sửa đổi quy trình quyết định dự toán ngân sách nhà nước trong 2 kỳ họp để các ĐBQH, các cơ quan chuyên môn có thời gian nghiên cứu, cân đối được kỹ lưỡng, thấu đáo và mang tính chiến lược tối ưu hơn.
Hai là, tăng cường năng lực và đổi mới, phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH theo hướng tăng thêm chuyên gia, bộ máy giúp việc tại các cơ quan này. Nghiên cứu để tách một số Ủy ban của Quốc hội có phạm vi, lĩnh vực phụ trách rộng, bảo đảm tính chuyên sâu hơn.(3) Cụ thể, nên thành lập Ủy ban Môi trường và Tài nguyên trên cơ sở tách Ủy ban KHCN-MT, nâng cấp Ủy ban Dân nguyện từ Ban trực thuộc UBTVQH thành Ủy ban của QH. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Ủy ban trong việc thẩm định các vấn đề liên ngành để bảo đảm các quyết định của QH được toàn diện, sắc sảo.
Ba là, cần tăng cường nguồn lực để bảo đảm hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Theo chúng tôi, cái thiếu nhất hiện nay là thông tin, kinh phí và con người. Thông tin thì các ĐBQH có thể tự mình nỗ lực khắc phục nhưng kinh phí hoạt động đang là một trở ngại lớn khi triển khai tổ chức các hoạt động. Thẩm tra mỗi dự án Luật hiện nay bình quân khoảng từ 200-300 triệu VND/dự án Luật so với tầm ảnh hưởng và mức độ tác động là quá thấp, trong khi mức bình quân theo tính toán của Liên hợp quốc khoảng 19- 20 tỷ VND (1 triệu USD).
Về con người, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên tỷ lệ hợp lý lên trên 40-45% (đại biều chuyên trách QH XI là 23,69%, đại biểu chuyên trách QH XII, 29,4%); lựa chọn ĐBQH có trí tuệ, bản lĩnh, nhiệt tình cho QH nói chung, đặc biệt cho các cơ quan của QH nói riêng. Có cơ chế thích hợp để ĐBQH thực hiện đúng nhiệm vụ, vai trò đại diện của mình.
Chú thích
(1) Nhiều dự án Luật quan trọng đã được thông qua tại nhiệm kỳ này như Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Đa dạng sinh học, Luật Quốc tịch, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, sửa đổi Luật Bầu cử DDBQH và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ...
(2) Trong hơn 3 năm (2008-2010) Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao sáu chuyên đề.
(3) Hiện nay, Quốc hội chỉ có 01 Hội đồng Dân tộc và 09 Ủy ban. Nếu so với số bộ, ngành của Chính phủ (22 bộ) thì thấy rằng, mỗi Ủy ban phải bao quát số lĩnh vực quản lý nhà nước quá rộng hơn rất nhiều.
Nguồn NDĐT
Ý kiến bạn đọc