Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND - nhìn từ năng lực của người đại biểu
Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2003 thì HĐND có chức năng, vị trí, vai trò rất quan trọng trong hệ thống các cơ quan nhà nước. HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. HĐND thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND và của các đại biểu HĐND.
Trong quá trình tổ chức kỳ họp HĐND, năng lực và bản lĩnh của đại biểu được thể hiện thông qua các hoạt động cơ bản, đó là: thẩm tra báo cáo, đề án; chất vấn và quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và sau đó là hoạt động giám sát. Ở đây chúng tôi đề cập hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án và hoạt động chất vấn.
Hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án là một biện pháp quan trọng để giúp HĐND đưa ra các quyết định đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Báo cáo thẩm tra nếu chủ yếu nhất trí với báo cáo, đề án do UBND trình và có một vài kiến nghị chung chung thì không tránh khỏi rơi vào hình thức, có cũng như không. Đây cũng đang là một thực trạng cần phải được khắc phục. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng là do năng lực, trình độ của các ban HĐND chưa đủ phát hiện những vấn đề chưa phù hợp để đưa ra những ý kiến mang tính phản biện.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND là hoạt động thể hiện rõ năng lực và bản lĩnh của người đại biểu. Hoạt động chất vấn có hiệu quả hay không, trước hết phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực của đại biểu HĐND, do đó đại biểu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Để chất vấn đúng, trúng vấn đề, đại biểu cần tích cực nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân để thu thập và xử lý thông tin. Có như vậy hoạt động chất vấn mới tránh được những câu hỏi chung chung, hỏi để biết...làm giảm hiệu quả và ý nghĩa của phiên chất vấn. Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả chất vấn của đại biểu, trước hết phải coi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đại biểu chất vấn là thực hiện trách nhiệm trước cử tri; lãnh đạo các cơ quan hữu quan trả lời chất vấn cũng có dịp nhìn nhận lại để đánh giá những việc chưa thực hiện được, những sai sót, vướng mắc trong quản lý, điều hành... để tìm giải pháp khắc phục. Nói cách khác, chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những giải pháp tích cực để củng cố và bảo đảm sự vững mạnh của chính quyền các cấp.
Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, đòi hỏi người đại biểu phải có năng lực thực sự, mà trước hết đó là năng lực đại diện. Do đó việc bầu chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.
Lâu nay đâu đó ta vẫn thường nghe người dân phàn nàn về hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện cho dân còn thấp và còn mang nặng tính hình thức, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Ở đây có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là năng lực của người đại biểu chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Để khắc phục điểm hạn chế này thì cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 phải thực sự dân chủ để người dân có nhiều cơ hội lựa chọn những người đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Chính quyền các cấp phải tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền bầu cử của mình, đây là quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Về phía cử tri cũng cần phải xác định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác bầu cử, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của người đại biểu để lựa chọn chính xác người đại diện cho mình, không nên vì lý do gì đó mà chỉ bầu chọn ra những đại biểu “hiền lành và rụt rè” (chữ dùng của PGS, TS Thái Vĩnh Thắng- Đại học Luật Hà Nội), thiếu bản lĩnh. Nếu như vậy, vô hình trung đã góp phần làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Suy cho cùng, nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND chính là hiệu quả hoạt động của các đại biểu. Bác Hồ cũng đã chỉ ra rằng con người là cái gốc của công việc, công việc thành hay bại đều do con người quyết định. Năng lực và bản lĩnh của đại biểu là điều kiện quan trọng để hoạt động của HĐND có hiệu quả. Đây cũng là vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.
Ý kiến bạn đọc