Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho ngày hội lớn

11:05, 20/05/2011

Ngày 22-5 - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đang đến rất gần. Trong những ngày này, từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột đến khắp các buôn làng trong tỉnh, đi đến đâu chúng ta cũng có thể cảm nhận được không khí hân hoan, rộn ràng, tất cả đang sẵn sàng cho ngày hội lớn... 

Đường phố Buôn Ma Thuột trở nên rực rỡ nhân chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. (Ảnh: G.N)
Đường phố Buôn Ma Thuột trở nên rực rỡ nhân chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. (Ảnh: G.N)

Thành phố Buôn Ma Thuột vào những ngày này đi đến đâu chúng ta cũng thấy rợp cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu... Mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã sẵn sàng. Cùng theo ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột đi kiểm tra các tổ bầu cử trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận được không khí khẩn trương, rộn ràng của công tác chuẩn bị cũng như tâm tư, kỳ vọng của cử tri trong ngày hội lớn sắp đến. Ông Luân cho biết: Trong cuộc bầu cử này, TP. Buôn Ma Thuột có 216.895 cử tri, trong đó có 19.085 cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Và tất cả đang sẵn sàng đợi đến “giờ G”. Đến thời điểm này, Ủy ban bầu cử (UBBC) đã bàn giao đủ khuôn dấu cho 21 UBBC cấp xã, 3 Ban bầu cử cấp tỉnh trên địa bàn TP, 9 ban bầu cử TP, 151 ban bầu cử cấp xã, 228 Tổ bầu cử và 228 con dấu đã bỏ phiếu... Bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất thì việc tuyên truyền cho bầu cử cũng đã được thành phố tích cực triển khai đến tận xã, phường, thôn buôn, khối phố. Nhờ đó, hầu hết người dân đều đã ý thức được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình đối với sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Trong câu chuyện của người dân vào những ngày này, bên cạnh những việc liên quan đến đời sống thường ngày thì vấn đề có tính “thời sự” nhất chính là việc bầu cử. Chị Lê Thị Thịnh, một tiểu thương ở chợ Buôn Ma Thuột hăng hái bàn luận: “Bầu cử đại biểu HĐND là chọn ra người đại biểu cho dân, thay mặt người dân nên phải cân nhắc, lựa chọn thật kỹ và phải tự tay mình bỏ phiếu bầu mới có ý nghĩa. Chủ nhật này tôi sẽ cho con gái ra chợ coi hàng thay để đi bỏ phiếu...”. Còn anh Tài, tài xế xe Taxi Quyết Tiến thì tỏ vẻ bí mật: “Mấy ông bạn đồng nghiệp tôi cũng xôn xao bàn tán chuyện mình tín nhiệm ai, nhưng tôi thì tuyệt đối bí mật. Bởi tôi biết bầu cử là nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân mỗi người, không nên a dua, cảm tính mà phải sáng suốt lựa chọn”.   

Tại huyện Ea Kar, mọi công việc cuối cùng chuẩn bị cho ngày bầu cử đã hoàn tất. Trên khắp các cánh đồng, đồi rẫy luôn rộn ràng không khí ngày hội bầu cử. Toàn huyện có 14 đơn vị bầu cử với 93.079 cử tri tại 181 tổ bầu cử. Việc chuẩn cơ sở vật chất, tài liệu hướng dẫn, niêm yết danh sách ứng cử viên, cử tri, phát thẻ cử tri không có sai sót nào đáng kể; công tác vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng đã hoàn thành theo đúng kế hoạch. Để ngày bầu cử diễn ra đúng luật và thành công, UBBC huyện đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cụm trưởng ban bầu cử xã, thị trấn, tổ trưởng, tổ phó và thư ký các tổ; họp tổ bầu cử và các chuyên viên để triển khai nhiệm vụ trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử. Bên cạnh đó, UBBC huyện cũng lên kế hoạch phân công cho 15 thành viên kiểm tra, giám sát công việc tổ chức bỏ phiếu ở các tổ để kịp thời xử lý những sự việc nảy sinh trong ngày bầu cử.

Theo thống kê, tổng dân số trên địa bàn toàn tỉnh Dak Lak hiện có 1.821.331 người. Trong đó, tổng số cử tri trong cuộc bầu cử lần này là 1.105.433 người, cử tri đi bầu lần đầu tiên có 122.861 người. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, tỉnh Dak Lak được bầu 9 đại biểu Quốc hội, 85 đại biểu HĐND tỉnh, 560 đại biểu HĐND cấp huyện và 5.523 đại biểu HĐND cấp xã, phường. Toàn tỉnh có 22 đơn vị bầu cử cấp tỉnh, 164 đơn vị bầu cử cấp huyện, 1.524 đơn vị bầu cử cấp xã và 1.779 khu vực bỏ phiếu.
Chúng tôi có mặt tại xã Ea Ô (Ea Kar) đúng ngày đoàn ứng cử viên HĐND tỉnh và huyện đến tiếp xúc cử tri tại đây. Khắp các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, buôn rực rỡ cờ đỏ, panô, khẩu hiệu…. Người dân nô nức đến chật cứng hội trường UBND xã để nghe các ứng cử viên đại biểu trình bày chương trình hành động và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến các ứng viên. Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBBC xã cho biết: Ea Ô có 10.975 cử tri bỏ phiếu ở 11 tổ bầu cử. Để chuẩn bị tốt nhất cho ngày hội của toàn dân, HĐND xã đã thực hiện công tác tuyên truyền bằng băng rôn, hệ thống phát thanh xã và cử cán bộ xuống tận các thôn tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác đi bỏ phiếu, các ứng cử viên đại biểu HĐND xã cũng đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri. 

Công tác tuyên truyền vận động chuẩn bị bầu cử đã tạo nên không khí sôi động đối với người dân và cán bộ xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông). Xã hiện có 15 thôn, buôn, gồm 2014 hộ với 9864 khẩu, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 14,6% với 215 hộ và 1149 khẩu. Đến thời điểm này, xã đã thành lập xong 13 tổ bầu cử sẵn  sàng phục vụ 5865 cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ông Đỗ Tấn Phan, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đa số bà con trong xã làm nông, ban ngày bận với chuyện ruộng rẫy nên ngoài việc thông tin về ứng cử viên, thể lệ bầu cử tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, ban đêm, xã đã cử cán bộ đến tận thôn, buôn, từng nhà để tuyên truyền, phổ biến thể lệ, luật bầu cử cho bà con được rõ. Hiện, các khâu chuẩn bị bầu cử cơ bản đã hoàn tất”. Chu đáo trong công tác chuẩn bị, UBND xã Hòa Sơn còn cử cán bộ là người dân tộc thiểu số (Ê đê, Mường, Tày) đến tận nhà tuyên truyền bằng miệng và trên loa truyền thanh của xã để thông báo về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử cho cử tri hiểu rõ. Gặp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, cử tri Bùi Thị Hiền (dân tộc Mường) háo hức: “Nhờ được tuyên truyền nên bà con chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa của ngày bầu cử. Bà con đang mong chờ đến ngày 22-5 sẽ mặc trang phục truyền thống để đi bỏ phiếu bầu, chọn cho mình những đại biểu biết lắng nghe ý kiến của dân…”

Cử tri xã DAng Kang (huyện Krông Bông) tham dự tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội. (Ảnh: K.O)
Cử tri xã Dang Kang (huyện Krông Bông) tham dự tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội. (Ảnh: K.O)

Cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng bào giáo dân ở giáo xứ Vinh Hòa (huyện Cư Kuin) cũng đang ra sức thi đua lao động sản xuất, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp. Giáo xứ Vinh Hòa hiện có khoảng 10.000 giáo dân, tập trung nhiều nhất ở xã Ea Ktur. Sau các buổi thánh lễ, cha xứ thường nhắc nhở giáo dân thực hiện tốt công tác bầu cử, sắp xếp công việc đi bầu cử đầy đủ, đúng giờ, cân nhắc, lựa chọn đại biểu các cấp là những người có tài, đức để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. UBND xã cũng in ấn các tài liệu bằng văn bản, băng đĩa cấp phát cho các thôn, buôn để tuyên truyền về ngày hội bầu cử lần này. Bên cạnh đó, trưởng các thôn, buôn cũng tích cực mở các buổi họp dân để bàn về công tác chuẩn bị bầu cử. Ngoài ra, đối với những hộ ở xa trung tâm, UBBC xã phối hợp với giáo xứ và Ban tự quản thôn, buôn chủ động cử cán bộ trực tiếp đến từng hộ dân để vận động bà con. Nhờ vậy, hiệu quả của việc tuyên truyền được tăng thêm đáng kể. Ông Lê Trung Khoách, Trưởng thôn 3 cho biết, thôn có trên 800 nhân khẩu, hơn 90% là giáo dân, trong đó 552 người trong độ tuổi đi bầu cử. Đến nay, bà con nơi đây cơ bản đã nắm bắt khá đầy đủ các thông tin, ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong ngày hội này. Tôi và mọi người rất kỳ vọng qua bầu cử sẽ chọn được những đại biểu ưu tú để chăm lo đời sống đồng bào giáo dân nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung, vì một đất nước Việt Nam phát triển phồn thịnh… Còn ông Đậu Anh Quốc, tài chánh giáo xứ Vinh Hòa tâm sự: “Đi bầu cử là nghĩa vụ công dân đối với đất nước và đó còn là việc làm “kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo. Hy vọng lần này sẽ chọn được những đại biểu thực sự gần gũi với dân, chia sẻ trước những khó khăn của nhân dân và đặc biệt là góp phần để dân bớt nghèo khó...”.
Cử tri BĐBP tỉnh tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên. (Ảnh: V.C)
Cử tri BĐBP tỉnh tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên. (Ảnh: V.C)

Còn trên tuyến biên giới, công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) và cử tri 4 xã biên giới trong tỉnh cũng đều đã hoàn tất. Theo thống kê, các xã Krông Na (Buôn Đôn), Ia Rvê, Ia Lốp và Ea Bung (Ea Súp) có 12.836 cử tri thuộc 43 tổ bầu cử. Để công tác bầu cử ở địa bàn này thực sự là “Ngày hội xây dựng và bảo vệ non sông”, trong những ngày qua cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử; đồng thời tiến hành nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện và phối hợp tham gia xử lý kịp thời tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn các xã vùng biên, nhất là tại Ia Rvê và Ia Lốp, không để kẻ xấu và các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, bảo đảm an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử.

Theo đề nghị của các xã biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phân công cán bộ các đội công tác địa bàn tham gia vào làm thành viên tổ bầu cử ở địa phương. Đại tá Nguyễn Lương Hòa, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Toàn lực lượng, từ cơ quan Bộ Chỉ huy cho đến các đồn, tiểu đoàn huấn luyện trên tuyến biên giới đã làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử, quán triệt Luật và nội dung văn bản liên quan đến công tác bầu cử cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức tập huấn cán bộ các tổ bầu cử. Quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy là phải tập huấn bồi dưỡng cho số cán bộ tham gia thành viên tổ bầu cử tại các xã biên giới để anh em hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng niềm tin cậy của chính quyền và cử tri vùng biên. Các đơn vị cũng đã cấp phát đầy đủ phương tiện, vật chất bảo đảm cho công tác bầu cử thực sự trang trọng, đầy đủ và diễn ra đúng quy định của pháp luật. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề nghị UBBC tỉnh cho phép tổ bầu cử tại các đồn biên phòng được bầu cử sớm hơn một ngày”.
Mọi nỗ lực cố gắng của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự háo hức, chờ đợi của cử tri đều đang hướng đến một sự kiện trọng đại của đất nước – ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - ngày hội của toàn dân.

Để công tác tuyên truyền bầu cử đạt được hiệu quả sâu rộng, ngành văn hóa đã chỉ đạo Đoàn ca múa nhạc, Trung tâm văn hóa, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Thư viện, Bảo tàng tỉnh xây dựng nội dung, kịch bản chương trình hấp dẫn sinh động phục vụ tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa và các đồn biên phòng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dịp chào mừng khai mạc và thành công ngày bầu cử 22-5.

Nhằm đưa công tác tuyên truyền đến với mọi cử tri, ngành văn hóa triển khai nhiều hình thức như panô, truyền thanh lưu động, chiếu phim… từ thành phố xuống đến tận các thôn, buôn. Đến thời điểm này, đã có 1936 mẫu phiếu bầu cử, gần 4000 đĩa CD hỏi đáp về luật bầu cử, quốc ca và các bài hát về bầu cử, 3.572 tờ quốc huy, gần 80.000 tranh cổ động và khẩu hiệu với hai thứ tiếng được cấp đến 1786 tổ bầu cử trong toàn tỉnh. Riêng tại TP. Buôn Ma Thuột, ngành văn hóa đã treo 312 m2 panô, 800 m2 khẩu hiệu với 10 nội dung, 3100 cờ phướn trên tất cả các trục đường chính.

Nhóm PV và CTV

Ý kiến bạn đọc