Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi các phong trào thi đua chào mừng ngày hội toàn dân

08:31, 23/05/2011

Những ngày qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, lập thành tích chào mừng ngày hội toàn dân: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016…

Chi cục Thuế Krông Buk: Phấn đấu hoàn thành dự toán thu thuế, phí năm 2011 trong tháng 5
Tính đến cuối tháng 4-2011, tổng thu thuế và phí trên địa bàn huyện Krông Buk đạt hơn 57,6 tỷ đồng, xấp xỉ 93% dự toán được giao, tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: giá cả các mặt hàng chủ lực của địa phương tăng cao; sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; đặc biệt là tác động tích cực từ phong trào thi đua “Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước Quý I và cả năm 2011” được đơn vị phát động hồi đầu năm 2011. Theo nội dung thi đua này, mục tiêu chung của toàn chi cục, là tăng cường quản lý thu theo Luật Quản lý thuế và các quy định có liên quan; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và quy chế đối thoại với doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác quản lý thuế, xử lý tích cực và đạt hiệu quả các khoản nợ đọng thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ, người nộp thuế có khoản nợ trên 90 ngày sau khi gửi thông báo chi cục sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế… Riêng các đội thuế trực thuộc, nội dung thi đua được cụ thể hóa và gắn với nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn, đối với Đội kiểm tra, tập trung đôn đốc thu thuế phát sinh hàng tháng đạt từ 70% trở lên; tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm 100% các cuộc kiểm tra đúng quy định, tiền truy thu và tiền phạt được thu hồi kịp thời vào ngân sách Nhà nước; tham mưu biện pháp chống thất thu thuế có hiệu quả đối với lĩnh vực xăng dầu, phân bón; giải quyết kịp thời, đúng chính sách, chế độ các đơn thư khiếu nại, tố cáo trên cơ sở điều tra, nắm bắt tình hình thực tế; hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra nội bộ và kiểm tra tại doanh nghiệp đúng thời gian và quy định của ngành. Các đội thuế liên xã phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán được giao; xử lý kịp thời và có hiệu quả các khoản nợ đọng thuế, áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ, phấn đấu đến hết quý I-2011 giảm 90% trở lên đối với nợ thông thường tồn đọng đến 31-12-2010, để đến 31-12-2011 giảm nợ thông thường ở mức dưới 5%; bảo đảm 100% các hộ kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế. Tương tự, các đơn vị còn lại như Đội quản lý nợ- thu nhập cá nhân-trước bạ và thu khác, Đội nghiệp vụ dự toán-kê khai-kế toán thuế và tin học, Đội hành chính-nhân sự-tài vụ-ấn chỉ và tuyên truyền hỗ trợ đều được giao nhiệm vụ cụ thể trong giao ước thi đua. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế Krông Buk cũng áp dụng chế độ khen thưởng cho từng đơn vị hoàn thành nhiệm vu, với mức thưởng tiền mặt từ 1 đến 3 triệu đồng/đội, tùy nhiệm vụ được giao.

Các chi cục thuế trong tỉnh ký giao ước thi đua
Các chi cục thuế trong tỉnh ký giao ước thi đua


Qua các phong trào thi đua trên, Chi cục Thuế Krông Buk, đã tạo được không khí lao động sôi nổi, đây là một trong những nhân tố quan trọng đưa kết quả thu thuế và phí 4 tháng đầu năm đạt cao. Theo dự toán tháng 5-2011, Chi cục Thuế Krông Buk được Cục thuế tỉnh giao thu 5 tỷ đồng. Hiện tại, Chi cục đang nỗ lực phấn đấu thu đạt dự toán tháng được giao, đồng thời hoàn thành dự toán năm 2011 trong tháng 5. 

Xã Ea Kênh (huyện Krông Pak): Thi đua yêu nước là động lực cho sự phát triển
Ea Kênh là 1 xã thuần nông của huyện Krông Pak, diện tích tự nhiên 4.489 ha, với 2.817 hộ, 12.500 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 18%. Những năm qua, quán triệt tinh thần Chỉ thị 39 - CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã xác định phong trào thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Kết hợp với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, địa phương đã xây dựng và nhân rộng những tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến thông qua các phong trào: “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua” sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, bảo vệ an ninh quốc phòng, làm đường giao thông nông thôn”… Các phong trào được người dân tích cực hưởng ứng và đã thu được kết quả đáng khích lệ: tiến độ xóa đói giảm nghèo được đẩy nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người toàn  xã đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, việc huy động đóng góp tiền của và công sức của người dân để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi cũng được chính quyền địa phương xây dựng thành một phong trào rộng khắp. Chỉ riêng trong năm 2010, thôn Tân Đức đã huy động được trên 1 tỷ đồng, chủ yếu do người dân đóng góp để sửa chữa, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa tất cả các tuyến đường trong thôn. Việc cải tạo, nâng cấp đập Eatyh (buôn Kuaih) cũng được chú trọng, bảo đảm thuận lợi cho việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất của bà con. Ngoài ra, Ea Kênh còn được biết đến là vùng trồng rau trọng điểm của toàn tỉnh, nhiều hộ gia đình tại các thôn Tân Đức, Tân Bắc, Tân Đông ngày càng có cuộc sống ấm no, con cái học hành thành đạt nhờ thâm canh cây rau. Đặc biệt, toàn xã có 70% số hộ đạt danh hiệu gia đình Văn hóa; 10/15 thôn, buôn đạt danh hiệu thôn, buôn Văn hóa cấp huyện.

Nông dân thôn Tân Đức áp dụng kỹ thuật nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nông dân thôn Tân Đức áp dụng kỹ thuật nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, Ea Kênh đang dần trở thành một trong những xã điển hình của huyện trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Với những thành tích trên, năm 2010, xã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong “xây dựng và tổ chức hoạt động Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại địa phương”.

Huyện Krông Bông: Đa dạng hình thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào bản địa
Là một huyện vùng sâu, vùng xa, địa bàn đi lại cách trở, mật độ dân cư thưa, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung toàn tỉnh, trình độ dân trí chưa đồng đều…, đó là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều phong tục truyền thống, giá trị văn hóa ở đây, nhất là trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đang dần mai một. Đơn cử như tình trạng buôn bán chiêng cồng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, một số bộ chiêng quý, có giá trị đã bị mất cắp; nhiều buôn bỏ hẳn việc đánh chiêng; văn hóa lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày một phai nhạt… Trước thực trạng trên, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng trực thuộc lên kế hoạch rà soát, lập đề án tham mưu cho huyện trong việc phục dựng, lưu giữ, khơi dậy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó chú trọng tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, dân ca dân vũ, liên hoan cồng chiêng trẻ, chế tác nhạc cụ dân tộc rộng khắp địa bàn. “Muốn bảo tồn được các giá trị văn hóa, trước hết phải làm cho người dân các buôn đồng bào hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đó chính là bảo tồn từ gốc” - bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng VH-TT chia sẻ. Bên cạnh đó, từ năm 2007-2011, Krông Bông đã tổ chức được 25 lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh, thiếu niên tại nhà sinh hoạt cộng đồng các buôn, mời các nghệ nhân lớn tuổi đứng lớp hướng dẫn, truyền thụ và đã thực sự cuốn hút được đông đảo lớp trẻ tham gia. Kết quả là đã có trên 20 đội chiêng trẻ biết diễn tấu cồng chiêng và thường xuyên sinh hoạt tại các nhà sinh hoạt cộng đồng buôn. Một số lễ hội như cúng bến nước, bỏ mả đã dần được khôi phục, khoảng 80% buôn đồng bào ở các xã (Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đ’răm, Yang Mao…) đã khôi phục Lễ cúng bến nước. Đặc biệt, địa phương cũng quan tâm cấp chiêng cho các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các buôn khó khăn; đồng thời triển khai rà soát, sưu tầm, ghi chép lại những bài chiêng; ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu về văn hóa cồng chiêng, sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với cồng chiêng để lưu giữ, bảo tồn. Ngoài ra, huyện còn tổ chức “Buôn vui chơi, buôn ca hát” tạo nên sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân các buôn tham gia. Đây là hình thức bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn có tính đa dạng và hiệu quả, kết hợp giữa tuyên truyền với tổ chức các trò chơi dân gian mô phỏng các hoạt động lao động sản xuất hàng ngày của người dân như: thi giã gạo, lẩy bắp nhanh, thi rượu cần ngon, đan gùi nhanh, đẹp, đẩy gậy, diễn tấu chiêng đồng, ching Kram, thi hát đối đáp… đã tạo nên không khí hứng khởi, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các buôn.

Múa  xoang tại cuộc thi  “Buôn vui chơi, buôn ca hát” và chào mừng ngày bầu cử.
Múa xoang tại cuộc thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát” và chào mừng ngày bầu cử.


Với việc truyền dạy, sưu tầm, phục dựng các lễ hội có hiệu quả, giờ đây ở Krông Bông vào các dịp lễ hội truyền thống của đồng bào, những ngày lễ kỷ niệm của đất nước; đặc biệt là dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp 2011 – 2016 tiếng cồng chiêng lại rộn ràng, những điệu hát Ay ray, hát Kứt… vang lên không dứt, dặt dìu theo bước chân cử tri đi làm nhiệm vụ quyền công dân thiêng liêng của mình…

Xã Ea Bông (huyện Krông Ana): Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Xã Ea Bông có 2.646 hộ, với 9/13 thôn, buôn, trong đó có 1013 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm tỷ lệ gần 50% số dân toàn xã. Do chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trình độ dân trí không đồng đều nên đời sống của đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở, đất sản xuất.

Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày một nhiều ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Bông.
Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày một nhiều ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Bông.


Từ thực tế trên, khi tiếp nhận các chương trình 132, 134 về cấp đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho bà con, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, chính quyền xã đã thực hiện phương châm phát huy nội lực,  huy động sức dân, vận động sang nhượng đất trong dòng họ, nhờ vậy mà đa số diện tích đất sản xuất đều được cấp tại chỗ gần nơi ở, tạo thuận lợi cho bà con trong canh tác, sản xuất. Bằng việc kêu gọi sự chung tay, giúp sức của cộng đồng, diện tích nhà ở theo chương trình 167 cho các hộ khó khăn ở các buôn được nâng lên đáng kể, từ 24m2  lên 34m2. Năm 2007, xã Ea Bông đã cơ bản hoàn thành giải quyết đất sản xuất, nhà ở theo chương trình  132 và 134, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Bên cạnh việc giải quyết tốt đất ở, đất sản xuất cho người dân, để nâng cao đời sống kinh tế, Hội nông dân xã kết hợp với phòng nông nghiệp, khuyến nông huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới, qua đó đã nâng cao nhận thức cho bà con, góp phần tích cực vào việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Công tác phát triển thủy lợi cũng được xã quan tâm, đầu tư bằng việc nâng cấp các đập thủy lợi M’lô (buôn D’hang), đập Tuk Tur (buôn Riêng) từ đó diện tích lúa nước 6 buôn của xã lên gần 300 ha. Ghé thăm nhà ông Ama Thu, Bí thư chi bộ buôn Năk, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước cơ ngơi đồ sộ với hai căn nhà mái Thái liền kề nhau. Ama Thu hồ hởi: “Năm nay buôn được mùa, riêng nhà mình vụ này làm 4 sào lúa nước, thu về hơn 60 bao lúa. Năng suất cao như vậy là nhờ được đầu tư về thủy lợi, đảm bảo nước tưới, cùng với sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng lúa nước của cán bộ nông nghiệp huyện”. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động là con em các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cũng được chính quyền địa phương chú trọng. 42 cơ sở sản xuất gạch nung đóng trên địa bàn đã thu nhận lao động là con em đồng bào ở các buôn vào làm công nhân, trung bình mỗi lò có từ 20 – 30 công nhân là người dân tộc thiểu số. Nhờ những chủ trương đúng đắn mà đời sống người dân ở các buôn đồng bào nâng lên rõ rệt: thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng từ 3-4 triệu đồng/người/năm lên 6-7 triệu đồng/người/năm.
Về Ea Bông bây giờ có thể dễ dàng nhận thấy cuộc sống người dân ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã khác xưa nhiều, trong nhà lúa dự trữ chất đầy nhà, không ai còn phải lo đói; bà con đã biết vươn lên làm giàu chính đáng từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Có được điều này, một phần do chính quyền địa phương đã triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư của Đảng, Nhà nước, khuyến khích bà con hăng say lao động, sản xuất bằng nhiều phong trào thi đua sâu rộng, sôi nổi trong toàn dân.

 

 

Lê Ngọc, Thế Hùng, Lệ Văn

Ý kiến bạn đọc