Xây dựng niềm tin: Từ chính quyền gần dân
Những con đường ý Đảng lòng dân, những đổi thay trong thủ tục hành chính, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đó là cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó nền tảng vững chắc không thể thiếu là vai trò của chính quyền cơ sở luôn gần dân và vì dân.
Đồng thuận giữa chính quyền và người dân – động lực đẩy mạnh xã hội hóa y tế
Từ khi Nhà nước có chủ trương xã hội hóa (XHH) y tế, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một hệ thống cơ sở y tế tư nhân với hàng trăm bệnh viện đa khoa (BVĐK), phòng khám đa khoa và phòng khám chuyên khoa…, góp phần giảm tải một lượng lớn bệnh nhân cho y tế công lập, tạo động lực để các cơ sở y tế đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Kết quả này là “kết tinh” của sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân mang lại.
Năm 2000, hòa vào dòng chảy XHH của y tế cả nước, một nhóm bác sĩ có tâm huyết trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn lên kế hoạch thành lập bệnh viện tư nhân đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Với sự giúp sức của chính quyền trong việc bố trí quỹ đất và tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước, cộng với sự hỗ trợ của ngành y tế về thủ tục hành chính, năm 2005, BVĐK Thiện Hạnh đã nhanh chóng ra đời phục vụ KCB cho người dân tỉnh nhà. Sự có mặt của BVĐK Thiện Hạnh không chỉ góp thêm một địa chỉ tin cậy để người dân trên địa bàn tìm đến KCB, góp phần “chia lửa” cùng BVĐK tỉnh trong vấn đề giảm tải, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm y bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh ở trong và ngoài tỉnh. Với việc đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu thông qua việc đưa bác sĩ có trình độ tốt lên tuyến đầu, đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng cơ sở hạ tầng có đầy đủ tiện nghi…, BV ngày càng tạo được uy tín với các tầng lớp nhân dân. Điều đó chính là tiền đề, là cơ sở để BV tiếp tục triển khai kế hoạch giai đoạn II. Đánh giá về quá trình phát triển của đơn vị, ông Lê Văn Thiêm, Giám đốc BVĐK Thiện Hạnh khẳng định: “Sự giúp sức của chính quyền địa phương và ngành y tế đã đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của BV. Trên thực tế, BV triển khai được giai đoạn II, mở rộng cơ sở hạ tầng được cũng là nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước…”
Với sự hỗ trợ của chính quyền và ngành y tế địa phương, hoạt động xã hội hóa y tế ngày càng được đẩy mạnh.Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nội soi tại BVĐK Thiện Hạnh. (Ảnh: K.O) |
Cũng nhận được sự đồng thuận cao từ phía chính quyền và ngành y tế, năm 2007, Phòng khám ĐK Vạn An hình thành và đi vào hoạt động. Nhằm tạo đà cho sự phát triển lâu dài và theo kịp dòng chảy XHH, ngoài việc đầu tư các phương tiện máy móc hiện đại, Vạn An còn có sự đầu tư lớn về con người đó là có chính sách thu hút nhân lực tay nghề cao và đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực. Nhờ vậy, dù được coi là “sinh sau đẻ muộn” nhưng Vạn An đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu của mình với cả người dân trong và ngoài tỉnh. Bác sĩ Phạm Văn Nguyễn Tuấn, Giám đốc Phòng khám ĐK Vạn An chia sẻ: “Từ khi Phòng khám ĐK Vạn An ra đời, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản là Sở Y tế. Để đáp lại sự tin tưởng của người dân cũng như sự ủng hộ to lớn của chính quyền và ngành y tế địa phương, trong một vài năm tới Phòng khám ĐK Vạn An II và Bệnh viện phụ sản Vạn An sẽ tiếp tục hình thành và đi vào hoạt động, để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu KCB của người dân tỉnh nhà”.
Có lẽ, BVĐK Thiện Hạnh và Phòng khám ĐK Vạn An chỉ là hai trong số hàng trăm cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh được ra đời từ sự hợp sức, đồng lòng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Dẫu vẫn còn không ít khó khăn để các cơ sở y tế tư nhân tồn tại và khẳng định mình, song sự ủng hộ, hỗ trợ tận lực từ chính quyền địa phương và đơn vị chủ quản chính là cơ sở, là động lực, là niềm tin để các cơ sở y tế tư nhân vượt khó vươn lên phát triển và hội nhập.
Những con đường “ý Đảng lòng dân”
Xã Ea Ning được tách ra từ xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) từ năm 2007 với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về hệ thống cơ sở hạ tầng. Cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã chủ động xây dựng nhiều công trình, nhất là các công trình đường giao thông nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương. Đến nay, hàng chục ki-lô-mét đường đã được hoàn thành phục vụ đắc lực cho đời sống dân sinh.
Đường giao thông nội thôn 15 vừa được hoàn thành có chiều dài hơn 1,7 km với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng. Công trình được thực hiện theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Gần 100 hộ dân hai bên đường tự nguyện giải phóng mặt bằng và cùng đóng góp kinh phí bằng 30% tổng chi phí thực hiện. Ông Lê Văn Nhung, một trong những người tiên phong, gương mẫu thực hiện di dời và đóng góp, tâm sự: “Với người dân nông thôn, số tiền trên là một khoản tiền khá lớn, nhưng khi có chủ trương xây dựng con đường này, nhiều người dân đã tích cực hưởng ứng”. Theo ông, chủ trương làm đường đáp ứng nhu cầu bức xúc của người dân nên đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân trong thôn. Còn ông Trần Đình Hành cho hay: Tường rào của gia đình ông trước đây được xây dựng kiên cố, cao gần 2m, nhưng khi Nhà nước có chủ trương làm lại đường, ông đã vận động con cháu tự nguyện đập bỏ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trên đoạn đường này có hơn 10 hộ tự nguyện dỡ bỏ tường rào kiên cố như ông Hành.
Người dân thôn 15 góp vật liệu để xây dựng lại tường rào sau khi con đường hoàn thành. (Ảnh: G.N) |
Ý Đảng hợp lòng dân, xã Ea Ning đã xây dựng được nhiều con đường như vậy. Có thể kể đến như đường nối thôn 8 với thôn 11 dài 1,5 km, người dân không những không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà còn đóng góp thêm trên 500 triệu đồng để con đường sớm được hoàn thiện; đường nối thôn 8 với thôn 9 được làm bằng bê-tông xi măng với chiều dài 800m; đường nội thôn 22 dài 800m… Bên cạnh sự đồng thuận của nhân dân trong việc hiến đất và đóng góp kinh phí làm đường, mỗi công trình, UBND xã đều thành lập Ban giám sát cộng đồng gồm đầy đủ các thành phần để minh bạch hóa việc thu tiền đóng góp của nhân dân và giám sát chất lượng công trình trong suốt thời gian thi công.
Thực hiện mô hình “Một cửa” ở Cư Êbur
Tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân cũng như tổ chức, đơn vị khi thực hiện các thủ tục hành chính… đó là kết quả mang lại từ việc thực hiện mô hình một cửa tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) trong những năm qua.
Theo đánh giá của UBND xã Cư Êbur, qua 10 năm thực hiện công tác cải cách hành chính, 5 năm triển khai mô hình một cửa đã từng bước tạo cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương nơi đây kiểm soát, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, cũng như bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy Nhà nước. Tại bộ phận một cửa, việc nhận và trả hồ sơ được bố trí thường xuyên 3 cán bộ ở bộ phận văn phòng thống kê, tư pháp hộ tịch và địa chính xây dựng. Các giao dịch của người dân liên quan đến lĩnh vực nào thì được cán bộ chuyên trách của lĩnh vực đó hướng dẫn thủ tục. Việc thực hiện công khai hóa các thủ tục hành chính, niêm yết các văn bản liên quan, biểu mẫu theo đúng quy định và công khai các loại phí, lệ phí đã khiến môi trường hành chính được minh bạch, qua đó người dân cũng được hiểu biết đầy đủ khi thực hiện các giao dịch hành chính tại địa phương.
Việc thực hiện cải cách hành chính theo mô hình một cửa tại xã Cư Êbur đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân. (Ảnh: L.H) |
Ông Trần Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Từ năm 2006, sau khi thành lập bộ phận tiếp nhận hồ sơ theo mô hình “một cửa”, các giao dịch hành chính của người dân đã trở nên thuận lợi hơn. Xác định công tác cải cách hành chính sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ và trách nhiệm. Nhằm tinh gọn thủ tục hành chính, địa phương cũng thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; chủ động đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, nhất là trong các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức và công dân như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công chứng... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng mối đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tích cực đấu tranh và loại trừ những hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, gây mất đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện cải cách hành chính theo mô hình một cửa cũng góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy công việc, kiểm soát được số lượng hồ sơ nhận và tiến độ, quy trình xử lý hồ sơ của từng phòng, ban, từng cán bộ công chức. Nhờ đó, nhiều lĩnh vực "nhạy cảm" đã được giải quyết thấu đáo, chặt chẽ và đồng bộ hơn”.
Huy động sức dân từ tạo dựng niềm tin
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, tạo dựng niềm tin của nhân dân để từ đó huy động được sức dân – phương châm đó không chỉ là khẩu hiệu mà đã được huyện Cư M’gar triển khai hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Điều này thể hiện rõ rệt ở kết quả của công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa tại địa phương những năm vừa qua.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo, cơ sở vật chất, công sức của nhân dân và các lực lượng xã hội cùng Nhà nước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời từng bước đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa; xuất phát từ thực tiễn, huyện Cư M’gar đã kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước, ngân sách của địa phương và thực hiện phương châm “lấy sức dân, trí dân xây dựng cơ đồ cho dân” để xây dựng các thiết chế văn hóa. Qua đó hệ thống thiết chế văn hóa ở huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ, chỉ tính vài năm trở lại đây, huyện đã đầu tư xây dựng được Trung tâm Văn hóa và Thể thao với nguồn vốn 8,3 tỷ đồng; hoa viên với gần 4 tỷ đồng; Thư viện huyện với nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng… Bên cạnh đó các khu sinh hoạt văn hóa thể thao, cổng chào, sân khấu ngoài trời, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng… tại các xã, thị trấn, thôn, buôn được xây dựng cũng có một phần từ sự đóng góp của người dân. Đến nay huyện Cư M’gar đã đầu tư xây dựng được 108 hội trường, 138 cổng chào văn hóa, 56 buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng...
Trên lĩnh vực hoạt động văn hóa cơ sở, nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong huyện được khôi phục, phát triển. Hệ thống câu lạc bộ ở các thôn, buôn lần lượt ra đời; nhiều đội văn nghệ quần chúng với loại hình nghệ thuật dân gian phong phú: chèo, hát then, đàn tính… bằng tình yêu nghệ thuật truyền thống, đã tự viết kịch bản, “tự biên, tự diễn”, tự đóng góp kinh phí, mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn… phục vụ nhân dân địa phương trong các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương, tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên của huyện, tỉnh. Không gian văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 560 nghệ nhân sử dụng cồng chiêng; 25 đội chiêng trẻ; 261 bộ chiêng, trong đó nhiều bộ chiêng có tuổi đời trên 100 năm.
Có thể nói để đạt được những kết quả đó, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tạo cơ chế để nhân dân tự bàn rồi quyết định trên tinh thần quy chế dân chủ: Nhân dân được biết, cùng bàn bạc, đóng góp và cử đại diện tham gia giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương. Từ chủ trương đúng, hợp lòng dân đã huy động được sức dân, phát huy tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nói riêng và các lĩnh vực kinh tế, xã hội tại địa phương nói chung.
Ý kiến bạn đọc