Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước:
Chuyến ra đi thế kỷ
Mượn ý của nhà sử học người Anh E.J. Hobsbawm, tác giả của một trong những cuốn sách tổng kết hay nhất về thế kỷ XX, GS.TS Nguyễn Quang Hưng khẳng định thế kỷ XX là thế kỷ của những thái cực. Điều này thể hiện ở chỗ: Thế kỷ XX được khai sinh và luyện thép trong lò lửa của Thế chiến thứ nhất”. Đồng thời, “hai cuộc đại chiến thế giới là “tử cung” và là “cái lò bát quái” đẻ ra cái thế kỷ đẫm máu nhất của lịch sử nhân loại. Cũng trong thế kỷ này, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (1917) đã trở thành một thái cực, mở ra một khúc ngoặt của thế giới văn minh khi nó bước vào cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ hai, giải thể chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, cục diện chiến tranh lạnh và cuối cùng là “cơn động chấn” của sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô...
Bến Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước |
Trong bối cảnh đó có một chuyến đi thế kỷ gắn liền với cái tên người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, dưới bí danh trong hàng chục bí danh của nhân vật này, Văn Ba, học viên trường thợ máy Ecole des Mecaniciens ở bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn. Câu chuyện thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự cũng bắt đầu từ đấy. Nhưng trong rất nhiều bến cảng thuận lợi cho việc xuất dương, vậy vì sao người thanh niên Nguyễn Tất Thành lại chọn Bến Nhà Rồng, Sài Gòn để thực hiện hoài bão của mình. Lý giải về điều này, trả lời trên Báo Quân đội Nhân dân, GS, TS Đỗ Quang Hưng cho biết: Điều dễ nhận thấy, trong bối cảnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1913), đô thị, nhà máy, hầm mỏ, bến cảng... đã mọc lên không ít ở nước ta. Nhưng duy nhất chỉ có cảng Sài Gòn là nơi mà người bản xứ có thể xuất dương dễ dàng; nơi “gần phương Tây” hơn cả. Nếu như ở Trung Quốc, cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) đã “đẻ” ra nước Trung Hoa mới, dù chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên mới chỉ làm chủ ở phía Nam, thủ đô cách mạng Trung Hoa là Quảng Châu sôi sục, thì ở nước ta không khí cách mạng có phần tạm lắng. Tiếng súng Cần Vương đã tắt từ lâu. Ổ đề kháng của “con hùm Yên Thế” Đề Thám cũng đã im tiếng. Ngọn gió Duy Tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, của xu thế “cắt tóc xin sâu” chịu ảnh hưởng của Phan Chu Trinh cũng chỉ còn là hoài niệm. Bản thân gia đình người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lúc đó cũng ở thời điểm đặc biệt, đúng nghĩa “nước mất nhà tan”. Ông cụ thân sinh đỗ đại khoa nhưng quan lộ ngắn ngủi, gia đình ly tán, bản thân ông cũng trôi dạt vào Nam Kỳ.
Mười tám tuổi, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế khi đang theo học tại Trường Quốc học Huế. Nguyễn Tất Thành cạo trọc đầu, tham gia biểu tình và bị đuổi học. Mái Trường Quốc học Huế tuy chỉ có thể trang bị cho anh tấm bằng cao đẳng tiểu học, nhưng lại là nơi qua những người thầy chân chính, Pháp có, Việt có, giúp anh hiểu được văn minh phương Tây, văn hóa Pháp và quan trọng hơn là khao khát “muốn tìm hiểu đằng sau những từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, phải đi về phương Tây để tới chính “hang ổ của kẻ thù”. Một tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn lúc đó đã viết: “Con đường đến nước Pháp cũng chính là con đường chống Pháp” (La Courrier de Sai Gon). Trước đó, một thời gian ngắn, Nguyễn Tất Thành làm việc, dạy học ở Trường Dục Thanh, thuộc Công ty Nước mắm Liên Thành, cơ sở kinh tế và hoạt động yêu nước còn sót lại của phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Nhưng hướng đến của anh tất nhiên là Sài Gòn và việc anh chọn Bến Nhà Rồng làm nơi xuất dương là lẽ tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu cho thấy nhiều phát hiện mới về sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Câu chuyện vào Sài Gòn để chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử ấy của Nguyễn Tất Thành, ban đầu là sự nối kết từ đầu năm 1910 với những nhân vật của Hội Minh Tân ở Sài Gòn như với ông nghè Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất... chính họ đã tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành có mặt ở Sài Gòn lần đầu tiên ngày 19-9-1910. Họ cũng bố trí để anh ăn, ở tại nhà ông Lê Văn Đạt, người bà con bên mẹ của ông Trương Gia Mô tại xóm Cầu Rạch Bần (nay là nhà số 185/1 đường Cô Bắc, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ngay sau đó, Nguyễn Tất Thành đã liên hệ được với Liên Thành thương quán, một cơ sở của công ty Liên Thành ở Sài Gòn, nay thuộc đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5. Đó cũng là cơ hội để Nguyễn Tất Thành -Văn Ba vào trường thợ máy học nghề, chuẩn bị điều kiện xuất dương. Anh cũng làm quen với một số người Việt nhân viên của hãng Năm Sao như Nguyễn Văn Hùm, Bùi Văn Viên... Hãng Năm Sao là một hãng lớn, thường chạy tuyến hàng hải Sài Gòn – Đà Nẵng và một số cảng của nước Pháp.
Đầu tháng 6-1911, khi đó, Văn Ba được tin hãng đang tuyển “bồi” tàu. Thế là anh cùng một số người Việt dễ dàng được hãng thu nhận. Ngày 4-6-1911, Văn Ba đã tạm biệt Liên Thành thương quán, xuống tàu Pháp mang tên Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin, với mức lương 30 quan/tháng. Ngày 5-6-1911, con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin đã nhổ neo rời cảng Sài Gòn, cũng là bắt đầu thời điểm của chuyến đi thế kỷ, chuyến đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước |
Kết quả nghiên cứu hồ sơ sử liệu của các nhà khảo cứu về những ngày đầu Nguyễn Tất Thành sống trên tàu xuất dương cho biết: Sau khi đến Pháp, cuối năm 1911, con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin này đã quay lại Sài Gòn và một chi tiết thú vị là, “anh Thành đã cố gửi một ít tiền cho bố”. Con tàu lịch sử nói trên còn đưa Nguyễn Tất Thành tới Niu-Yoóc (Mỹ) và dấu tích trong sổ tàu ngày 5-12-1912, có chữ ký “Paul Nguyễn Tất Thành”... Trong những ngày tháng ấy, cũng trên con tàu này, Nguyễn Tất Thành còn để lại những dòng thư gửi chị Cả Thanh: “Em đã rời Sài Gòn cùng với một người châu Âu để tiếp tục học và trong 5 hay 6 năm nữa em sẽ về...”.
Nguồn tài liệu: Theo chân Bác - Hồ sơ hành trình Bác Hồ tìm đường cứu nước 1911-2011 – NXB Lao động
Ý kiến bạn đọc