Multimedia Đọc Báo in

Nhìn từ chiều sâu Cuộc vận động

09:20, 08/06/2011

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Từ Cuộc vận động, ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương sáng trong học tập, lao động, góp phần hình thành, bồi đắp thêm những nếp cảm, nếp nghĩ và là khởi nguồn cho nhiều hành động, việc làm đẹp...

Người thích “ôm” việc về mình

 

Đó là biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho cô giáo H’Wiêl Byă, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) để bày tỏ lòng cảm phục về tinh thần trách nhiệm, yêu nghề của cô H’Wiêl.
Đã nhiều năm nay, ngoài những giờ học chính trên lớp, cô giáo H’Wiêl dành nhiều thời gian, tự nguyện dạy thêm cho học trò của mình. Lớp học thêm của cô rất đặc biệt, được tranh thủ tổ chức trong những giờ ra chơi, môn học là môn dạy tiếng phổ thông vốn được coi là “ngoại ngữ thứ hai” đối với những học sinh người dân tộc thiểu số mới bắt đầu đi học. Công việc giảng dạy cho các buổi chính khóa đã nhiều và vất vả, việc dạy học cho các em chưa biết tiếng phổ thông càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, cô giáo H’Wiêl đã phải tận dụng mọi khoảng thời gian trên trường trên lớp để giúp đỡ các em. Trong lớp cô phân công những học sinh có học lực tốt kèm các em học yếu. Giờ ra chơi, cô tranh thủ dạy tiếng phổ thông cho các em theo cách riêng của mình vừa dễ hiểu, dễ nhớ mà cô gọi là phương pháp trực quan. Có nghĩa là cô dạy cho các em bằng tiếng Kinh từ gì thì trực tiếp chỉ đồ dùng đó, ví dụ học từ cái thước thì chỉ cái thước, cái bảng thì chỉ cái bảng. Bên cạnh đó, cô bổ sung thêm bài tập về nhà để các em vừa học tập, ôn luyện tiếng phổ thông, vừa củng cố kiến thức chưa kịp nắm bắt ở lớp. “Cứ thế bằng phương pháp dạy nhẹ nhàng, dễ hiểu này, cô trò đã từ từ tiến những bước vững chắc và khá hiệu quả”, cô H’Wiêl tâm sự: Hiệu quả ở chỗ lớp  1 cô phụ trách năm học vừa rồi có tổng số 22 em, trong đó có 10 em là người dân tộc thiểu số thì hiện có 7 em đã đọc thông viết thạo tiếng phổ thông. Không ít thế hệ học trò người dân tộc thiểu số ở mái trường Tiểu học Phan Đình Phùng này đã có được nền tảng kiến thức, trưởng thành từ chính những tiết học đặc biệt dạy tiếng phổ thông như thế của cô giáo H’Wiêl.

Niềm vui mỗi ngày được đứng trên bục giảng chính là động lực để cô giáo H’Wiêl luôn tự ý thức phải cố gắng hết mình vì đàn em thân yêu.

“Ông Hợp hội trường”

 
Tuy tuổi đã ngoài 60 nhưng ông Nguyễn Ngô Hợp, tổ trưởng tổ dân phố 5, thị trấn Quảng phú (huyện Cư M’gar) vẫn tháo vát, tận tụy vì công việc chung. Thực hiện lời Bác dạy, ông luôn dành nhiều tâm huyết xây dựng quê hương. Đáng kể nhất, phải kể đến việc ông đã vận động người dân trong tổ góp tiền của, công sức xây mới hội trường tổ dân phố với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

Năm 2008, ông được bà con trong tổ tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Công việc nhiều lúc đòi hỏi phải tập hợp bà con lại, hội họp lấy ý kiến để cùng xây dựng khu phố văn minh, tiến bộ nhưng thực tế hội trường của tổ - địa điểm duy nhất để tổ chức họp - chỉ là ngôi nhà ván gỗ tạm, chật hẹp lại xuống cấp nghiêm trọng. Ông nhớ có lần, hơn 390 người là đại diện hộ bà con tổ dân phố 5 đang họp xóm, không may trời mưa, nhà dột mọi người đều bị ướt. Không chỉ vậy, mỗi khi các đoàn thể trong khu phố muốn tổ chức một hoạt động gì đó để vui chơi, học tập lại vướng phải khó khăn là không có nơi để sinh hoạt cho đàng hoàng. Bằng uy tín của mình, giữa năm 2009, ông đã đứng ra vận động bà con đóng góp xây dựng hội trường. Để tiết kiệm chi phí, ông đề xuất tận dụng ván, gỗ cũ để làm phông và các hạng mục công trình phụ. Nhờ sự đồng lòng của bà con, sau 3 tháng triển khai thi công, ngôi nhà kiên cố, rộng gần 150 m2 đã được dựng lên, bà con ai nấy đều phấn khởi. Cũng từ đó, mọi người thường gọi ông với cái tên “ông Hợp hội trường”. Đầu năm 2010, ông tiếp tục vận động bà con đóng góp được hơn 45 triệu đồng để xây dựng tường rào, sân bóng chuyền. Từ khi có hội trường và khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, các hoạt động học tập, hội họp, phong trào văn nghệ, thể thao ở khu dân cư sôi nổi hẳn lên, góp phần xây dựng xã hội học tập, môi trường lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đoàn thanh niên có nơi để họp Đoàn, nên đã tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt; chị em phụ nữ cũng đến, tham gia sôi nổi vào phong trào hội. Đông vui nhất là vào mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều đến, người cao tuổi trong tổ rủ nhau ra khuôn viên hội trường để tập dưỡng sinh, thanh niên thì đến để chơi bóng chuyền, cầu lông.

Bên cạnh đó, ông còn đứng ra trồng cây xanh trong khuôn viên hội trường và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong bà con. Để mọi người làm theo, bản thân ông gương mẫu đi đầu. Chiều chiều, người dân tổ dân phố 5 lại quen với hình ảnh ông Hợp cặm cụi xách nước tưới cây, quét dọn khuôn viên hội trường sạch sẽ. Không chỉ vậy, ông còn được bà con tin yêu vì lòng nhiệt tình và quan tâm đến việc học hành của con em các hộ dân trong tổ. Để động viên, khuyến khích các cháu, ông đã duy trì “quỹ khuyến học” tổ, cuối mỗi năm học, đều có phần thưởng, kịp thời động viên các cháu là học sinh giỏi các cấp trên địa bàn. Hiện, trong tổ không có học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh giỏi mỗi năm tăng lên từ 20 đến 35%.

Người “nhạc trưởng” của thôn

 

Người dân thôn 12 (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), thường ví Bí thư Chi bộ thôn, Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Tấn Chính là người “nhạc trưởng” của thôn bởi ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia công tác địa phương, dìu dắt, hỗ trợ các hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Từ hai bàn tay trắng, với bản tính cần cù, chịu khó cùng những đức tính được rèn luyện trong quân ngũ đã giúp ông vượt qua khó khăn và xây dựng nên cơ nghiệp. Qua học hỏi các mô hình sản xuất, ông Chính làm đủ nghề như ép mía, ép dầu lạc, nấu đường thủ công hay xay xát, chế biến thức ăn gia súc. Nhiều năm lao động vất vả, vợ chồng ông dành dụm được ít vốn nên chuyển sang kinh doanh, buôn bán nông sản. Ban đầu, với số vốn ít ỏi, gia đình ông chỉ buôn bán nhỏ lẻ, đi xuống tận địa bàn thu mua nông sản, sau đó mở rộng dần quy mô, sắm sửa được các phương tiện phục vụ kinh doanh. Nhờ nhanh nhạy trong tư duy, năng động trong kinh doanh và đặt chữ tín lên hàng đầu nên từ khi chuyển sang kinh doanh mặt hàng nông sản, ông đã gặt hái thành công. Đến nay, tổng giá trị tài sản của gia đình ông khoảng trên 7 tỷ đồng, hằng năm giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương. Trong 5 năm từ 2005-2010, tổng số tiền thuế gia đình ông đã nộp cho nhà nước gần 10 tỷ đồng. Cuộc sống no đủ, ông không quên chia sẻ tình cảm với bà con trong thôn, hễ ai gặp khó khăn, hoạn nạn ông sẵn lòng giúp đỡ. Ông đã cho 15 hội viên CCB mượn 130 triệu đồng không tính lãi, đồng thời, dùng uy tín và tài sản của mình thế chấp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo lãnh cho 25 hội viên cựu chiến binh vay 600 triệu đồng và 15 hội viên nông dân vay 400 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hằng năm, gia đình ông tiên phong đóng góp hàng chục triệu đồng ủng hộ Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết… Nhờ sự giúp đỡ của ông, 6 hội viên trong chi hội CCB thôn 12 đã thoát nghèo bền vững.

Không chỉ tích cực trong phong trào của hội, với trách nhiệm người Bí thư chi bộ thôn, ông Chính đã khởi xướng và cùng một người dân trong thôn đầu tư 48,6 triệu đồng mở rộng, nâng cấp đường cấp phối từ thôn 12 và 17 vào Nghĩa trang Đoàn Kết, tạo thuận lợi trong việc đi lại, tổ chức mai táng. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liên tục ông nhận được Bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột vì có thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương và làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước. Gia đình ông còn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc” vào năm 2007.

Người cựu chiến binh có “duyên” với các giải thưởng

 
Đoạt giải Nhì và giải Khuyến khích Cuộc thi “Tìm hiểu về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Cư Kuin năm 2008; một năm sau lại giành thêm giải Khuyến khích Cuộc thi “Tìm hiểu tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Huyện ủy tổ chức, rồi đến năm 2010 đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi “80 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” và gần đây nhất là giải Nhì Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật” do Hội Cựu chiến binh huyện Cư Kuin tổ chức năm 2011… Với bảng thành tích có bề dày như vậy, có thể nói ông Nguyễn Văn Thế, cựu chiến binh xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) là người khá có “duyên” với các giải thưởng. Và điều đặc biệt hơn cả là hầu hết các giải thưởng này đều gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ bởi tâm sức ông bỏ ra để hoàn thành tác phẩm dự thi xuất phát từ tình cảm, tấm lòng chân thành đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Gần 100 trang viết tay cho mỗi tác phẩm dự thi là cả quá trình miệt mài sưu tầm, tìm hiểu và nghiên cứu về Bác, về Đảng, chỉ như vậy thôi cũng đã là một điều rất đáng trân trọng và càng trân trọng hơn khi những điều tâm huyết ấy được thực hiện bởi một người đã ở vào tuổi 83 “xưa nay hiếm” như ông. Là người tổ chức xây dựng tủ sách về Bác Hồ và Đảng cũng như quân đội, bao nhiêu năm qua ông đã tự bỏ tiền lương và phụ cấp mua sắm được những cuốn sách quý. Trong đó có thể kể đến tác phẩm Đồng chí Hồ Chí Minh do một nhà văn người Nga (Liên Xô cũ) viết về Bác; các giáo trình giảng dạy ở đại học và trường Đảng; những quyển sách của các NXB Chính trị quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trường Nguyễn Ái Quốc viết về Bác Hồ… Những quyển sách này đối với ông có giá trị còn quý hơn vàng nhưng ông lại dễ dàng cho Hội Cựu chiến binh của xã và các thôn mượn đọc bởi theo ông càng nhiều người hiểu rõ, biết rõ về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ càng có nhiều người học tập và làm theo tấm gương của Người hơn...

Không chỉ làm tốt công tác của Hội Cựu chiến binh xã, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Cư Kuin, ông đã tổ chức cho thành viên Câu lạc bộ học tập, nghiên cứu và sáng tác các tác phẩm ngợi ca về Đảng, Bác Hồ cũng như những đổi thay từng ngày của địa phương. Hàng nghìn bài thơ ở mảng này đã được sáng tác, có chất lượng tốt và được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong năm 2010 vừa qua, Câu lạc bộ đã được NXB Văn học xuất bản tập thơ Tình đồng đội với hơn 200 bài, dày 217 trang, in 500 cuốn.
Nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu trong mọi phong trào ở địa phương, ông được bà con thôn xóm tôn trọng, yêu quý. Bằng sự tín nhiệm của mình, ông đã vận động mọi người trồng được hàng keo với 300 cây trên đoạn đường liên xã dài 1,5 km. Có thể nói, với người cựu chiến binh gương mẫu ấy, việc học tập và làm theo lời Bác chính là bằng những việc làm thiết thực, cụ thể vì cộng đồng xã hội từ đó việc tuyên truyền, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người sẽ càng có sức thuyết phục và lan tỏa hơn.

Người hết lòng vì vùng quê Ea Lê

 

Là người gắn bó với mảnh đất Ea Lê (huyện Ea Súp) ngay từ những ngày đầu mới thành lập xã, vì vậy ông Đặng Phú Bình hiểu rất rõ về những khó khăn của đời sống nhân dân vùng biên. Lại là người giữ nhiều trọng trách - vừa là Bí thư Đảng ủy xã, vừa kiêm chức Chủ tịch UBND nên ông càng ý thức trách nhiệm lớn lao của mình trong việc làm thế nào để cuộc sống của người dân nơi đây không ngừng được cải thiện đi lên, Ea Lê – quê hương thứ hai của ông ngày một phát triển. Xuất phát từ tình yêu, tinh thần trách nhiệm đó mà trong những năm qua, ông luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình với Đảng, với dân, vì vậy luôn được người dân nơi đây tin tưởng, yêu mến. Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình chính sách đầu tư của Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đời sống kinh tế - xã hội của mảnh đất vùng biên này đã không ngừng phát triển. Năm 2010, tổng diện tích gieo trồng của toàn xã trên 4.300 ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt gần 18.000 tấn, tổng đàn gia súc trên 8.000 con, gia cầm 29.000 con,  thu nhập bình quân đầu người 6 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của xã cũng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân 7-10%/năm.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, ông Bình vui vẻ tâm sự: “Không có nguyên tắc nào ngoài nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trước khi triển khai bất cứ chương trình nào, xã đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến, sau khi được sự thống nhất cao trong dân mới thực hiện nên đã đem lại hiệu quả cao. Các chương trình làm đường giao thông, điện nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, địa phương còn huy động được hàng trăm triệu đồng từ sự đóng góp của người dân. Cũng từ huy động sức dân, hiện toàn xã đã có12/19 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa với sự đóng góp xây dựng của người dân, bình quân mỗi thôn từ 20-25 triệu đồng”.

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là người đứng đầu của xã, ông càng ý thức được trách nhiệm của bản thân cũng như quán triệt trong toàn bộ đảng viên, cán bộ công chức của xã, triển khai việc học tập sâu rộng ở địa phương. Ngoài việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, ông còn vận động mọi người trong cơ quan và gia đình tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực làm theo Bác từ những việc bình thường nhất, nhỏ bé nhất trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày. Bản thân ông luôn tự nhủ mình mỗi ngày, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống để luôn chan hòa, giản dị, khiêm nhường, chân thành trong cư xử quan hệ với nhân dân.

Nhóm PV


Ý kiến bạn đọc