Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Văn kiện Đại hội XI của Đảng Vấn đề phát triển bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020

08:35, 15/06/2011

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua 4 văn kiện quan trọng là:  Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI là kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn cũng như lý luận 25 năm đổi mới để tiếp tục phát triển đất nước toàn diện và bền vững trong giai đoạn cách mạng mới.

Tại Đại hội XI, vấn đề phát triển bền vững được Đảng ta hết sức coi trọng. Điều này thể hiện trong hầu hết các văn kiện, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, qua đó cũng cho thấy nhận thức của Đảng ta ngày càng đầy đủ hơn về tầm quan trọng của phát triển bền vững đất nước. Nếu như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, thuật ngữ “bền vững” chỉ xuất hiện 3 lần thì trong Chiến lược được thông qua lần này đã xuất hiện 27 lần. Tần suất xuất hiện phần nào nói lên những đòi hỏi bức bách của phát triển bền vững đối với nước ta trong thời gian tới. Về nội dung, vấn đề phát triển bền vững được đưa ra một cách toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội mà Chiến lược đề cập, cụ thể:

Về đánh giá tình hình trong nước giai đoạn 2001-2010, Đảng ta khẳng định bên cạnh những thành tựu hết sức to lớn đã đạt được trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thì vẫn còn những tồn tại, khó khăn như “những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững”. Đánh giá trên phù hợp với thực tiễn của nước ta 10 năm qua. Kinh tế phát triển chưa bền vững, minh chứng là tốc độ phát triển khá nhanh nhưng chủ yếu dựa trên vốn, tài nguyên, giá cả lao động chứ thực chất hầu hết chưa phải dựa trên nguồn lực con người, khoa học công nghệ, trình độ quản lý. Vì vậy, trong quá trình phát triển, đất nước đã gặp một số khó khăn ảnh hưởng tới sự phát triển như thiếu vốn, lao động đơn giản nhiều, lao động phức tạp còn thiếu hụt, môi trường ở một số nơi bị hủy hoại...

Rút ra bài học kinh nghiệm, trong quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 yêu cầu “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”. Trong mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững, có thể khẳng định, phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những đánh giá và yêu cầu như trên, Chiến lược nêu lên một số lĩnh vực quan trọng đòi hỏi phải có sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong đó đáng chú ý là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Nếu như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010 chủ yếu đề cập ở góc độ phát triển “bền vững môi trường”, thì Chiến lược lần này đề cập cả “phát triển lâm nghiệp bền vững” và “khai thác bền vững” trong lĩnh vực thủy sản, rộng hơn nữa là toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh phát triển bền vững, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đòi hỏi còn phải có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Vì sao, vấn đề phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm như vậy? Có nhiều lý do, song có thể khẳng định, trước hết nước ta vẫn là một nước nông nghiệp, đại bộ phận đời sống người dân ở nông thôn còn không ít khó khăn, kinh tế nông thôn gặp nhiều trở ngại... Vì vậy, phát triển bền vững nông nghiệp không chỉ thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn đi lên mà chính là thúc đẩy cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh của đất nước.

Cùng với đòi hỏi sự phát triển bền vững trong nông nghiệp thì vấn đề phát triển bền vững còn được đề cấp đến nhiều lĩnh vực như: phát triển bền vững các vùng; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; chính sách tiền tệ; thị trường bất động sản; nguồn điện; sản xuất và tiêu dùng...

Để đạt được sự phát triển bền vững, Đảng ta đã nêu lên một số chủ trương, chính sách lớn như: Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Như vậy, vấn đề phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 được đề cập một cách toàn diện và đầy đủ hơn, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn trên cả lĩnh vực xã hội và môi trường, trong đó, nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững trên lĩnh vực kinh tế. Điều đó phù hợp với định nghĩa phát triển bền vững của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (năm 1987) “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”, cũng như phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng ta đã xác định là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Nam Việt
(Trường Chính trị tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc