Multimedia Đọc Báo in

Khi chính quyền gần dân, vì dân

09:13, 31/08/2011

“Gốc có vững, cây mới bền”, sức mạnh của chính quyền bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều chính quyền cơ sở đã phát huy sức dân, tận dụng mọi nguồn lực để thực hiện thành công nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống ấm no cho nhân dân…

“Trường học đa ngành” của Dray Sáp
Xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) có 40% dân số là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Bằng nhiều nỗ lực, địa phương đã đạt phổ cập THCS vào năm 2006, đạt chuẩn Tiểu học năm 2008 và điều quan trọng là những kết quả này khá bền vững. Trong nhiều yếu tố để đạt được những thành quả đó, sự sâu sát, nắm bắt nhu cầu người dân của chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng.

Thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 12-1-2006 của UBND tỉnh về “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”, HĐND xã Dray Sáp đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã hội học tập. Từ đó, UBND xã đã chỉ đạo cho Trung tâm học tập cộng đồng xã xây dựng kế hoạch năm, kế hoạch tháng, phối hợp thường xuyên với các ban, các trường học trên địa bàn tìm nhiều biện pháp phù hợp, linh hoạt để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Một trong những bước đi đầu tiên đó là tuyên truyền vận động. Đội ngũ cộng tác viên đến nhà dân trực tiếp hướng dẫn những việc làm cụ thể, thiết thực tới bà con như cách dùng điện an toàn, tiết kiệm, sửa chữa các động cơ có công suất nhỏ, chữa trị gia súc gia cầm bị lở mồm long móng hoặc cà phê bị sâu đục thân, rầy đen, lúa bị sâu cuốn lá,… Từ cách làm này, Trung tâm học tập cộng đồng xã tạo dựng được uy tín, lòng tin với người dân. Bước đi tiếp theo qua trưng cầu ý kiến, các lớp học được mở ở tất cả các thôn buôn trên địa bàn xã, cần gì thì học đó, học được thực hành ngay, bố trí học mọi thời điểm để phù hợp với thời gian lao động của bà con: học ban ngày, học ban đêm, học lồng ghép giữa văn hóa và học nghề. Nội dung chương trình học tập khá hấp dẫn, sáng tạo. Học viên học lớp trồng trọt được tặng thuốc trừ sâu, lúa giống, học viên học lớp điện dân dụng được tặng một bộ dụng cụ sửa chữa điện tử bảo đảm an toàn, học viên cắt may được tặng một bộ quần áo do chính mình làm ra… Từ đó Trung tâm thu hút được nhiều học viên tham gia và trở thành một trường học đa ngành về nội dung học tập liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống như y tế, văn hóa, giáo dục… và tuyên truyên, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm đã mở lớp cho 800 học viên, 22 lớp nghề dài hạn, gồm: 6 lớp chăn nuôi, thú y, 3 lớp trồng trọt, 3 lớp cắt may, 3 lớp sửa chữa máy nổ, 1 lớp điện tử dân dụng, 2 lớp trồng nấm, 2 lớp dệt thổ cầm, lớp sửa chữa xe gắn máy, 1 lớp xây dựng. Đặc biệt năm 2011, Trung tâm đã khảo sát nhu cầu học của toàn dân trong xã, lập kế hoạch mở các lớp nghề dài hạn và có liên hệ với các cơ sở sau khi đào tạo để học viên có cơ hội làm việc.

Cùng với nhiều mô hình như gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng trở thành một trong những kênh hữu hiệu trong thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập ở Dray Sáp.

Nhân dân đóng góp công sức thi công đường giao thông nối từ trung tâm xã Cư Ni đến thị trấn Ea Kar . Ảnh: L.H
Nhân dân đóng góp công sức thi công đường giao thông nối từ trung tâm xã Cư Ni đến thị trấn Ea Kar . (Ảnh: L.H)
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề gây nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar điều đó dễ dàng được tháo gỡ bởi đã có sự đồng thuận rất cao giữa chính quyền và người dân nơi đây.

Năm 2010 - 2011, trên địa bàn xã Cư Ni có 3 dự án xây dựng đường giao thông do huyện làm chủ đầu tư gồm: Dự án đường giao thông nối trung tâm thị trấn Ea Kar đến trung tâm xã; đường giao thông Cư Ni  - Cư Yang và đường giao thông Cư Ni – Ea Ô với tổng chiều dài 26,3 km. Theo đó tổng diện tích nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng khoảng 15 ha. Cho nên chưa kể đến tài sản gắn liền trên đất, riêng kinh phí việc hỗ trợ đền bù đối với diện tích đất đã lên đến con số hàng chục tỷ đồng mà ngân sách của huyện thì không thể đảm đương. Vì vậy, chính quyền địa phương nơi đây huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, vận động mọi gia đình sống hai bên đường hiến đất để dự án được triển khai đúng tiến độ. Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Ni cho biết, chính sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thuyết phục được không ít gia đình trước đó chưa đồng tình dần nhận thức rõ về lợi ích của việc mở đường. Có nhiều gia đình, cán bộ phải kiên trì gặp gỡ nhiều lần, tác động bằng nhiều hình thức, vừa gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vừa tổ chức nhiều cuộc họp công khai, dân chủ lấy ý kiến nhân dân…,  nhờ vậy đến đầu năm 2010, khi công trình bắt đầu thi công, hơn 1.000 hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Là gia đình tiên phong, với suy nghĩ vì lợi ích của cộng đồng, với hơn 30 m2 đất ở cùng tài sản trên đất có tổng trị giá gần 200 triệu đồng nhưng Ama Ngưng ở buôn Ea Knốp chỉ nhận 60 triệu đồng. Từ việc làm ý nghĩa đó mà Ama Ngưng đã trở thành tấm gương để mọi người trong buôn noi theo, tự nguyện hiến 30-70% giá trị đất, tài sản trên đất được đền bù. Có gia đình hiến toàn bộ diện tích đất vườn nơi dự án làm đường đi qua như ông Nguyễn Công Cẩn ở thôn Ea Sin 1. Cũng như gia đình Ama Ngưng, ông Phạm Duy Nghiệm (là một trong những gia đình gương mẫu của thôn 4 trong phong trào hiến đất làm đường) vui vẻ: “Những con đường mở rộng, không chỉ tô đẹp cảnh quan cho buôn làng mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hóa, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh phí làm đường thì đã được Nhà nước đầu tư, người dân là người được hưởng lợi trực tiếp từ những con đường thì mấy mục mét vuông đất có là bao, bởi lợi ích từ những con đường mang lại không chỉ cho riêng bản thân mà là của cộng đồng”.

Hơn 1.000 hộ dân ở xã Cư Ni đã đồng lòng, tự nguyện hiến đất làm đường, qua đó càng khẳng định sức dân và sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất giữa chính quyền địa phương các cấp, giữa chính quyền với nhân dân. Không chỉ 100% hộ dân có diện tích đất nằm trên các trục đường giao thông thuộc các dự án mở rộng đường đều  đã tự nguyện ký cam kết sẵn sàng hiến đất mà 13 hộ dân của thôn 1A còn tự đóng góp, bình quân mỗi hộ 4 triệu đồng để xây dựng 400 m đường bê tông trong thôn. Ngoài ra, trong năm 2010, toàn xã đã huy động gần 2.000 công lao động để tu sửa đường giao thông liên thôn. Và như ông Phạm Duy Hùng chia sẻ, thế mới thấm thía câu nói của Bác  Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đàm Thuần – Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.