Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ với chính sách ngoại giao thời lập nước

10:07, 01/09/2011

Từ ngày 16 đến 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch…

Ngày 27-8-1945, theo đề nghị của Bác Hồ, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập.

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “…Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.” Lời văn ngắn gọn đó đã đi vào lịch sử và trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhà nước ta.

Chỉ một tháng sau đó, trước tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời định ra “Chính sách ngoại giao” dưới hình thức một văn kiện Nhà nước “Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, (Báo Cứu quốc, ngày 3-10-1945). Ngày 6-10-1945, Người đích thân gặp giới báo chí trong và ngoài nước để giới thiệu tinh thần, nội dung chính sách này.

Mục tiêu của chính sách ngoại giao đó là góp phần “đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn, vĩnh viễn và cùng các nước Đồng minh xây dựng nền hòa bình thế giới”, đồng thời đề ra chủ trương cụ thể trong quan hệ với bốn lực lượng chủ yếu dưới đây:

- Với những người Pháp và phái Đờ-gôn đang định trở lại chiếm Đông Dương.
- Với các nước lớn trong Đồng minh dân chủ.
- Với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Hoa.
- Với các nước tiểu dân tộc toàn cầu.

Tổng thống Soekarno che dù cho Hồ Chủ tịch tại Bandung, nhân chuyến thăm Indonesia của Bác Hồ năm 1959.             Ảnh: T.L
Tổng thống Soekarno che dù cho Hồ Chủ tịch tại Bandung, nhân chuyến thăm Indonesia của Bác Hồ năm 1959. (Ảnh: T.L)

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ : “Thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”.

Trong tình hình lúc bấy giờ, ta phải đối phó với cả Tưởng, cả Pháp. Quân đội Anh ở Nam Bộ đã thỏa thuận để cho Pháp tiếp quản sự đầu hàng của Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào. Đêm 23-9-1945, quân Pháp núp sau quân đội Anh tấn công thành phố Sài Gòn, gây ra chiến tranh ở Nam Bộ. Từ tháng 11-1945, Pháp và Trung Hoa cũng bắt đầu thương lượng về việc quân Pháp thay thế quân đội của Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc.

Cùng với chính sách ngoại giao ngày 3-10-1945, Bác Hồ và Trung ương Đảng đề ra chủ trương “Hòa để tiến”. Đó là đường lối ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt theo phương châm “thêm bạn, bớt thù” của Người trong năm đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: Lúc thì tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc để tập trung sức đánh Pháp ở miền Nam; lúc lại hòa hoãn với Pháp để đuổi mấy chục vạn quân Tưởng về nước mà không tốn một viên đạn nào, đồng thời quét sạch bọn phản động tay sai của chúng.

Với “chính sách Câu Tiễn” đối với tướng Lư Hán, tướng Tiêu Văn, Bác Hồ và Đảng ta đã có nhiều biện pháp đúng đắn lôi kéo, phân hóa, cô lập các nhóm Việt cách, Việt quốc, làm phá sản âm mưu “Diệt Cộng cầm Hồ” của Tưởng Giới Thạch.

16 giờ ngày 6-3-1946, Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt được ký kết trước sự hiện diện của tất cả đại diện lực lượng Đồng minh có mặt tại Việt Nam. Theo đó, Pháp công nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc gia tự do trong Liên hiệp Pháp; ta chấp nhận 15 nghìn quân Pháp vào thay 200 nghìn quân Tưởng Giới Thạch đang ở miền Bắc nước ta, đồng thời hai bên thỏa thuận tuân thủ ngừng bắn ở Nam bộ và Nam Trung bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tham gia chủ yếu cuộc đàm phán, người ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3, về sau đã nhận xét về sự kiện này: “Nhiều người thắc mắc cho đó là chính sách quá hữu. Nhưng đồng chí và đồng bào Nam bộ thì lại cho là đúng. Mà đúng thật. Vì đồng chí, đồng bào Nam Bộ đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng lực lượng của mình” (1).

Về mặt quốc tế, Hiệp định sơ bộ 6-3 là sự thừa nhận trên thực tế tồn tại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặt khác, nó là văn bản xác nhận sự thất bại hoàn toàn của giải pháp các nước lớn áp đặt cho Đông Dương ở Hội nghị Pốt-xđam tháng 7-1945.

Để thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định sơ bộ 6-3 và phân hóa thêm một bước thực dân Pháp hiếu chiến, ngày 24-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc hội kiến với Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ tại Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã đi đến thỏa thuận:

- Sớm mở Hội nghị trù bị Pháp - Việt tại Đà Lạt;
- Triệu tập càng sớm càng tốt cuộc đàm phán chính thức tại Pa-ri;
- Việt Nam đồng ý cử đoàn đại biểu Quốc hội sang Pháp…

Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị chính thức ở Phông-ten-nơ-bơ-lô (Pa-ri) tuy không đạt được kết quả tích cực, song đã góp phần làm rõ lập trường chính nghĩa, thiện chí mong muốn hợp tác của Việt Nam với nước Pháp, duy trì bầu không khí hòa dịu ở hai miền đất nước ta.

Cuộc đi thăm chính thức nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( từ  31-5 đến tháng 9-1946) nổi lên như là hoạt động đối ngoại hàng đầu, đã nâng cao vị trí quốc tế của nước ta, tạo thêm thuận lợi cho quan hệ giữa ta và Pháp là một chủ trương đối ngoại có tầm nhìn chiến lược. Tại Pa-ri, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo cuộc đàm phán Việt - Pháp tại Phông-ten-nơ-bơ-lô khai mạc ngày 6-7-1946. Phái đoàn ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã thể hiện thiện chí và tinh thần thực tế cần thiết, nhưng Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô đã không thành công, nguyên nhân cơ bản là chính quyền Pháp lúc đó cùng các thế lực thực dân chủ trương dùng vũ lực để khôi phục ảnh hưởng của Pháp ở Đông Dương.

Trong bối cảnh lịch sử cực kỳ phức tạp và tế nhị lúc đó, sự có mặt tại Pa-ri và các cuộc tiếp xúc đa dạng và phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt với giới báo chí, đã thu hút sự chú ý và cảm tình của dư luận rộng rãi tại Pháp và thế giới đối với chính nghĩa độc lập của dân tộc ta, tranh thủ hòa bình, nhất là tranh thủ thời gian, nhân tố cực kỳ quan trọng, để củng cố và xây dựng lực lượng nhằm đối phó với một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi.

Trong gần ba tháng ở Pa-ri, Bác Hồ đã tỏ rõ phẩm chất cao đẹp của một nhà chính trị, nhà ngoại giao lịch lãm và khôn khéo, có tầm nhìn chiến lược và tài dự báo lịch sử, “người phát ngôn” nắm vững nghệ thuật vận dụng phương tiện truyền thông đại chúng ngay tại thủ đô nước Pháp.

Thực hiện chủ trương “Hòa để tiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tạm ước 14-9-1946 xác nhận lại các nguyên tắc của Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, thực hiện ngừng bắn ở miền Nam, tránh được cạm bẫy của thế lực hiếu chiến muốn nhanh chóng đẩy quan hệ Việt - Pháp vào thế đối đầu trực tiếp về chính trị, quân sự hòng phá tình trạng hòa hoãn có lợi cho cách mạng Đông Dương.

Ngày 15-8-1946, Báo Du kích đăng phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Bác nói: “…Tôi đến đây (Pa-ri) là để giảng hòa. Tôi không muốn trở về Hà Nội với bàn tay trắng. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể và chắc chắn của sự hợp tác mà chúng tôi mong muốn”.

Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng quan hệ mọi mặt với bên ngoài được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Thư gửi Liên hiệp quốc cuối năm 1946.

Đối với Lào và Campuchia, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền. Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực…Chính sách mở cửa và hợp tác này, Chính phủ Việt Nam cũng dành cho nước Pháp.

Trong buổi đầu lập quốc đầy khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng sớm nhận thức và sử dụng hoạt động đối ngoại như là một trong những vũ khí chiến lược trong tay Nhà nước để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám 1945. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định sự thành công to lớn của bước chuyển thế trận “Hòa để tiến” mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh.

Nguyễn Xuyến

 

-------------------

(1)    Hồ Chí Minh toàn tập - NXB ST-HT-T6-tr21.


Ý kiến bạn đọc