Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

Cần tăng cường kỷ luật ngân sách, tránh phân bổ dàn trải

11:38, 31/10/2011

Khi thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, đa số các đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng năm 2011 trong bối cảnh khó khăn, công tác thu - chi ngân sách năm 2011 khá tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện dự toán ngân sách thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Cùng với việc chi đầu tư dàn trải là tình trạng thất thu thuế lớn và kỷ luật tài chính lỏng lẻo... khiến cơ cấu thu chưa vững chắc. Những hạn chế cần phải nghiêm túc đánh giá như dự toán chưa chính xác, hiệu lực điều hành của Chính phủ chưa cao thể hiện trong việc chưa nghiêm trong cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, cắt giảm đầu tư công là cần thiết nhưng phải rà soát kỹ càng, thận trọng để cắt đúng và trúng, thời gian qua vẫn chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cũng cho thấy, việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc. Các dự án cắt giảm chủ yếu là các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc mới khởi công; các dự án chưa thực sự cấp bách hoặc hiệu quả kinh tế thấp chưa được cắt giảm nhiều, chứng tỏ việc chấp hành Nghị quyết 11 của Chính phủ chưa nghiêm. Từ thực tế này, và nhiều đại biểu cho rằng, cần nâng cao hiệu lực điều hành của Chính phủ, tăng cường kỷ luật ngân sách. Có đại biểu đề nghị cần thu hồi toàn bộ vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ chi không đúng mục đích để chi cho an sinh xã hội. 

Theo một số đại biểu, năm 2011, chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỷ đồng) là mức tăng khá cao, nếu đặt trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công thì việc tăng chi nói trên so với dự toán là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nguyên nhân nguồn tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển vượt so với dự toán. Về thu ngân sách, năm 2011, hầu hết các địa phương thu vượt dự toán, cho thấy quá trình giao ngân sách dự báo không chính xác, hay tại Chính phủ không kiên quyết trong giao nhiệm vụ? Việc này cần đánh giá lại để tăng cường kỷ luật ngân sách. Vì thế, cần làm tốt công tác hậu kiểm đối với công tác thu thuế nhằm tránh thất thu. Điển hình nhất là tình trạng chuyển giá, kê khai thu nhập không đúng để trốn thuế hiện nay đang diễn ra khá phổ biến.

Nhiều đại biểu đề nghị trong năm 2012, Chính phủ cần rà soát lại các nguồn thu, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tăng cường chống chuyển giá, chống thất thu trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tránh tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ khoáng sản thô. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất và xuất khẩu khoáng sản hiện nay chiếm tới 46% tổng nguồn thu là quá cao, thể hiện cơ cấu thu thiếu bền vững. Đáng lưu ý, mặc dù doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, nhưng tốc độ tăng thu ngân sách từ khu vực này lại chậm hơn so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cần phải đánh giá lại hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và có lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Hầu hết các đại biểu thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 với quan điểm tập trung, chống dàn trải, theo thứ tự ưu tiên: ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp ở 3 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và 62 huyện nghèo; bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, hạn chế tối đa các công trình mới; quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn.

Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc