Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, quan tâm hơn nữa trong vấn đề an sinh xã hội
Hôm qua (27-10), Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch năm 2012. Nhiều đại biểu đồng tình với những giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới nhưng lưu ý Chính phủ cần quyết liệt trong kiềm chế lạm phát năm 2012 và cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho khu vực nông thôn.
Đồng tình với việc Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 trong năm 2012, có đại biểu cho rằng đây là biện pháp cần thiết vì lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại nhiều năm mà chưa khắc phục được. Do vậy, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý là hết sức cần thiết. Năm 2012 là năm nhiều mặt hàng quan trọng (như điện, xăng dầu,…) sẽ tiếp tục được điều chỉnh giá theo thị trường, vì vậy, theo một số đại biểu, việc điều chỉnh giá những nguyên, nhiên liệu quan trọng cần tránh thực hiện vào các thời điểm gần nhau, gây sốc và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả các hàng hóa khác.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu QH quan tâm là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong 3 năm qua, đầu tư cho khu vực này tăng về số tuyệt đối nhưng lại giảm so với tổng đầu tư toàn xã hội (trong khi đóng góp của khu vực này vào GDP là 20%) là không hợp lý. Do đó, Nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách đầu tư theo hướng tăng ưu đãi cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó là đổi mới công tác quản lý đầu tư vào nông thôn, trong đó, phải quy định rõ trách nhiệm. Những lĩnh vực Nhà nước không làm thì phải có chính sách ưu đãi để huy động mọi nguồn lực; kết hợp với vận động, tuyên truyền, xúc tiến đầu tư... nhằm nâng mức đầu tư xã hội cao ít nhất gấp 2 lần hiện nay. Hiện nay, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn dàn trải, thiếu đồng bộ, nhiều công trình, dự án chưa phát huy được hiệu quả; nhiều nơi khi mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì ngập lụt; nông sản được mùa thì mất giá,... Cũng liên quan đến việc thu hẹp khoảng cách phát triển các vùng, miền, thu nhập của người dân, có đại biểu cho rằng việc phát triển kinh tế vùng, sự gắn kết giữa các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế. Tại các địa phương vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng “dàn hàng ngang” trong đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, trường đại học (hiện có 40 tỉnh, thành có trường đại học) chưa có tác dụng trong việc chuyển dịch kinh tế địa phương. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá chính sách phát triển kinh tế vùng để sửa cho phù hợp.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng, cần có sự quan tâm hơn trong vấn đề an sinh xã hội bằng cách đầu tư cho việc làm, dạy nghề, bảo hiểm y tế phù hợp từng đối tượng, địa bàn; việc hỗ trợ hộ nghèo cần tránh hỗ trợ bằng tiền bởi như vậy sẽ không phát huy hiệu quả. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các chính sách an sinh xã hội vẫn được Chính phủ quan tâm đảm bảo. Các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo còn thiếu đồng bộ, thiếu ổn định. Tuy nhiên, có chính sách khi ban hành đối tượng thụ hưởng là rất rộng song quá trình thực hiện có bất cập đã được điều chỉnh theo hướng thu hẹp đối tượng thụ hưởng hoặc có chính sách vừa ban hành trong thời ngắn lại điều chỉnh đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ nên gây tâm lý chờ điều chỉnh chính sách còn khá phổ biến. Nguồn lực cân đối để thực hiện các chính sách ban hành thường cấp muộn hơn so với thời gian hiệu lực của văn bản ban hành - đây là vấn đề được nhiều đại biểu QH thẳng thắn góp ý kiến. Trong điều kiện tài chính còn hạn chế, việc ban hành mạng lưới các chính sách an sinh xã hội cần được tính toán phù hợp với nguồn ngân sách của Nhà nước để chính sách khi ban hành được thực thi ngay, tạo sự lan toả trong xã hội.
Ý kiến bạn đọc