Multimedia Đọc Báo in

Tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung trong dự án Luật Tố cáo

22:38, 25/10/2011

Ngày 25-10, thảo luận về dự án Luật Tố cáo tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với dự luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, nhưng một số ý kiến vẫn còn băn khoăn về việc không xem xét các tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo.

 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về phạm vi điều chỉnh, dự luật được trình kỳ này đã bổ sung quy định về việc giải quyết tố cáo đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ tương tự như quy trình xử lý tố cáo đối với cán bộ, công chức; bổ sung một điều mới quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong đó quy định về việc áp dụng Luật tố cáo đối với tố cáo của cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

 

Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình. Cụ thể là ngoài quy định về quyền được giữ bí mật các thông tin cá nhân của người tố cáo, trong dự thảo Luật còn có quy định về việc người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố cáo như áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo, việc gửi kết luận nội dung tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo, bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo.

 

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo, dự luật mới quy định, người bị tố cáo “được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra”

 

Dự luật mới cũng bổ sung, làm rõ quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo để bảo đảm việc giải quyết tố cáo được kịp thời, chính xác. Cụ thể là chỉnh lý, bổ sung quyền của người giải quyết tố cáo được tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; bổ sung nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo; không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo.

Đại biểu đóng góp ý kiên vào dự án Luật Tố cáo
Đại biểu đóng góp ý kiên vào dự án Luật Tố cáo

 

Về bảo vệ người tố cáo, Ủy ban TVQH đã chỉnh lý, bổ sung các quy định về phạm vi, đối tượng, thời hạn bảo vệ; quyền và trách nhiệm của người tố cáo được bảo vệ, trong đó có bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại về vật chất và tổn hại về tinh thần xảy ra trong trường hợp người tố cáo có yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ mình mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của pháp luật; về bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ người tố cáo không bị phân biệt đối xử, trả thù, trù dập tại nơi cư trú. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về một số biện pháp mà các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ bị nguy hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết chương này để bảo đảm tính khả thi.

 

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Ủy ban TVQH đã cho chỉnh lý quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, trong đó bổ sung quy định về nguyên tắc phối hợp giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; chỉnh lý quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong cơ quan hành chính nhà nước; bổ sung một số điều quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các cơ quan khác của Nhà nước, thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, để bảo đảm xử lý một cách toàn diện tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Ủy ban TVQH đã bổ sung một điều về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện một số nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

 

Về tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật cũ, chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo như quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật phòng, chống tham nhũng...

 

Ngoài ra, Ủy ban TVQH cũng đã bổ sung quy định về việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải bố trí nơi tiếp công dân đến tố cáo, bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân khi đến trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp dân của cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền tố cáo phù hợp với quy định về tiếp công dân đã được thể hiện trong dự thảo Luật khiếu nại. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất trong công tác tiếp dân, tránh tình trạng phải bố trí nhiều địa điểm tiếp công dân riêng (phục vụ riêng cho việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị), Luật tố cáo giao Chính phủ quy định chi tiết về địa điểm tiếp công dân, trình tự, thủ tục tiếp công dân đến tố cáo.

 

Đại biểu đóng góp ý kiến đề nghị cân nhắc việc xử lý cả tố cáo nặc danh. Dự luật nên bổ sung quy định, nếu tố cáo không rõ tên, địa chỉ, nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan tiếp nhận phải xem xét. Nhiều đại biểu cho rằng việc ban hành luật này là cần thiết song cần có quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi để bảo vệ người tố cáo.Các quy định về quyền và nghĩa vụ người tố cáo trong việc được giữ bí mật về bút tích, thông tin cá nhân… phải được đồng bộ hóa với các điều khoản khác liên quan, vì thực tế, không chỉ cơ quan tiếp nhận tố cáo mà các cơ quan khác như HĐND, MTTQ, cơ quan nhận báo cáo kết quả… cũng biết các thông tin của người tố cáo nên cũng phải có trách nhiệm giữ bí mật cho người tố cáo.

 

 Đ.T (Nguồn SGGP, HNM)


Ý kiến bạn đọc