Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Điều hành và quản lý giá vẫn còn nhiều bất cập
Khi thảo luận về dự thảo Luật Giá, theo nhiều đại biểu, dự luật cần đưa rõ tiêu chí, danh mục bình ổn giá, tránh những hạn chế, bất cập vừa qua để có các biện pháp can thiệp hợp lý tùy từng mức độ cũng như tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có đại biểu băn khoăn, chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam vừa qua tăng cao, bất thường, bên cạn9h các nguyên nhân do chính sách tiền tệ, tài khóa còn do nguyên nhân công tác điều hành, quản lý giá còn nhiều bất cập, nhất là cung – cầu hàng hóa. Thời gian qua cung hàng hóa có tăng nhưng tại sao giá vẫn tăng? Việt Nam có thế mạnh về lương thực, thực phẩm nhưng tại sao tốc độ tăng giá vẫn tăng gấp 3 lần các nước trong khu vực. Yếu tố tăng giá cần phải được xem xét, làm rõ và thể hiện cụ thể hơn trong dự luật.
Nhiều đại biểu chỉ rõ, việc giá cả tăng cao vừa qua là do công tác quản lý chứ không hoàn toàn do khung pháp lý. Giá cả thời gian qua chịu ảnh hưởng của các yếu tố: đầu cơ thái quá không kiểm soát được, Nhà nước không can thiệp được vào thị trường và hệ thống phân phối còn nhiều yếu kém. Xuất phát từ thực tế này, theo các đại biểu, điều khó nhất trong dự thảo Luật Giá là xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước kiểm soát, bình ổn giá phải theo thị trường nhưng dường như dự luật vẫn nặng về phía Nhà nước. Vì thế, dự luật cần tập trung nhiều hơn cho việc chống đầu cơ, kiểm soát mạnh hơn độc quyền tự nhiên vì nó trái với quy luật thị trường, chẳng hạn như giá sữa. Mặt khác, phải phân định danh mục hàng hóa, các biện pháp bình ổn giá để áp dụng các biện pháp thích hợp, tránh can thiệp sâu vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian vừa qua công tác quản lý giá chưa làm tốt vì kênh phân phối là tác nhân khiến giá cả hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng tăng cao bất hợp lý.
Theo dự thảo Luật Giá, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống không thuộc danh mục Nhà nước định giá được quy định theo các tiêu chí như nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người như: ăn, mặc, ở, học tập, đi lại, chữa bệnh. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy là quá chung chung, không biết cơ quan nào sẽ thực hiện và thực hiện bằng cách nào.
Một số đại biểu đề nghị, cần có các biện pháp chú trọng ổn định giá hàng hóa nông nghiệp, nông sản vì thực tế nhiều mặt hàng người nông dân không được định giá và do người mua định giá. Và như vậy, người nông dân khó tránh khỏi tình cảnh bị ép giá, được mùa mất giá. Cần phải đưa các sản phẩm nông nghiệp vào danh mục định giá, bình ổn giá để đảm bảo cho người sản xuất.
Có đại biểu đã chỉ ra điểm thiếu sót trong dự thảo Luật Giá là việc bình ổn giá chỉ chú trọng đến các sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất công nghiệp, ít chú trọng đến sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ trong 5 bước định giá, niêm yết giá. Cũng có đại biểu đề nghị, cần phải bổ sung quy định bình ổn giá lúa gạo nằm trong các mặt hàng thiết yếu và cần có quy định bảo vệ giá cả mặt hàng này. Như Thái Lan vừa qua, trước biến động của giá lúa, gạo thế giới, Thái Lan đã tăng giá sàn mua gạo. Do đó, Nhà nước cần thiết phải có biện pháp bình ổn khi giá hàng hóa giảm thay vì chỉ bình ổn khi tăng giá.
Ý kiến bạn đọc