Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Xây dựng luật và pháp lệnh phải xuất phát từ cuộc sống
Hôm qua (17-11), thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH) nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu đề nghị, QH nên chấm dứt “bệnh” xây dựng luật theo kiểu dễ làm, khó bỏ và Ban soạn thảo cần kiên quyết không trình QH những nội dung không tuân thủ quy định của pháp luật.
Đa số ý kiến tập trung phân tích, đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII; các quan điểm, căn cứ lập chương trình, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII. Về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII, các đại biểu đánh giá, trong vòng 4 năm, QH đã quyết định rất nhiều các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã ban hành được số lượng lớn các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý Nhà nước, xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XII là chưa đạt được kết quả như chương trình đề ra, mới thông qua được 67/83 dự án luật, 14 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, vẫn còn 53 nghị định chưa được Chính phủ ban hành khiến luật chậm đi vào cuộc sống.
Hơn nữa trong 4 năm từ 2007 - 2011, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được điều chỉnh đến 5 lần, điều đó nói lên tính không khoa học và thiếu sự thận trọng, chấp hành không nghiêm tính kỷ luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XII. Một số dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình và rút ra khỏi chương trình quá dễ; một số luật, pháp lệnh được thông qua có chất lượng và tính khả thi chưa cao, chậm đi vào cuộc sống…
Về định hướng, những căn cứ để xác định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, cơ bản các đại biểu nhất trí với kiến nghị nêu trong dự kiến chương trình của Ủy ban Thường vụ QH là phải ưu tiên tập trung cho việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Nghị quyết của QH vừa mới được thông qua về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và các nghị quyết khác về cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Các đại biểu cũng đề nghị, cần phải bám sát vào chương trình để xác định thứ tự ưu tiên, trong đó ưu tiên cho các dự án luật phục vụ cho thực hiện 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển của chúng ta và trong việc tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, phải tính đến mức độ chuẩn bị các dự án luật bảo đảm yêu cầu, điều kiện của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không dồn quá nhiều dự án luật cho một cơ quan soạn thảo; cân nhắc thẩm quyền, trách nhiệm ban hành luật của QH, Chính phủ, không nhất thiết tất cả mọi dự án đều đưa lên thành luật…
Nhiều đại biểu cũng nhất trí đề nghị đưa ra khỏi các chương trình 5 dự án luật theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH. Một số đại biểu đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII Luật Kiến trúc sư, Luật Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Pháp lệnh về nhà giáo, Luật Nông dân, Luật Phòng, chống lạm dụng rượu, bia, Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước; nên đưa Luật Bầu cử QH và Hội đồng nhân dân, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức… vào chương trình chính thức.
Ý kiến bạn đọc