Multimedia Đọc Báo in

Thành công từ sự đồng thuận của dân

02:43, 29/01/2012

Những câu chuyện về lòng dân đồng thuận, tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, xây dựng hội trường thôn, các trạm bơm... đã không còn xa lạ trên địa bàn tỉnh. Đó chính là những minh chứng sống động  về thực hiện lời Bác dạy năm xưa “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, góp phần tạo nên bức tranh nông thôn Dak Lak ngày càng khởi sắc.

 
Sắc diện của nông thôn mới
 
Không riêng những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mà tại nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa ở huyện Cư M’gar in đậm dấu ấn các công trình mang tên sức dân. Đó là những con đường nội thôn sạch đẹp, thông thoáng; cổng chào kiên cố;  hội trường thôn được xây dựng mới, với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt đến từng cụm dân cư… đã nâng cao chất lượng sống và từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Ông Bùi Thanh An, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4 (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), đơn vị điển hình 10 năm (2001-2011) thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”- tự hào đưa chúng tôi đi thăm những con đường tổ liên gia thảm nhựa phẳng lì và cả hội trường tổ dân phố rộng rãi, thoáng mát.. mà theo cách gọi của ông là “mái nhà chung” của bà con. Ông An tâm sự: “Việc huy động sức dân ban đầu cũng chẳng dễ dàng. Khi triển khai huy động đóng góp để làm hội trường tổ dân phố, một số hộ không đồng tình với mức mà Ban tự quản tổ dân phố đưa ra, thậm chí có hộ còn nói xây dựng hạ tầng nông thôn là chuyện của Nhà nước, mấy ông cán bộ tổ dân phố vẽ chuyện để lấy thành tích. Nhưng sau khi được các tổ chức đoàn thể giải thích rõ ràng “Nhà nước đầu tư 50% và dân chỉ bỏ ra 50%, nhưng người được hưởng lợi là dân”, nhiều người đã hiểu ra và vui vẻ đóng góp tiền của, ngày công lao động cùng làm”. Bài học lớn nhất được rút ra từ việc làm hội trường tổ dân phố, đó chính là phải xây dựng lòng tin và củng cố sự đoàn kết. Trong đó, quan trọng nhất là bước thống nhất trong ban lãnh đạo tổ dân phố, sau đó giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức đoàn thể để tuyên truyền vận động người dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, sẵn sàng nhận về mình khó khăn. Rồi việc bàn bạc với người dân phải dân chủ. Nhờ đó, liên tiếp trong 3 năm (2007-2009), người dân trong tổ dân phố đã tự nguyện đóng góp trên 3 tỷ đồng để nhựa hóa 6 km đường nội thôn sau khi được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí. Cũng trong năm 2007, bà con đã đóng góp mỗi hộ 500.000 đồng làm hội trường tổ dân phố. Đó chính là kinh nghiệm thực tế, theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, huy động nội lực từ dân. 
Con em tổ dân phố 4 (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đến trường trên con đường nhựa hóa
Con em tổ dân phố 4 (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đến trường trên con đường nhựa hóa
Ông Lê Ngọc Nhuận, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Cư M’gar khẳng định: “Khi lòng dân đồng thuận, muôn việc luôn thành công. Sức lan tỏa của việc phát huy nội lực đã được tạo nên sắc diện mới cho các thôn, buôn  của huyện Cư M’gar, khang trang, tươi đẹp hơn”.  Đến nay huyện Cư M’gar có 141 thôn, buôn, tổ dân phố xây dựng được cổng chào, 108/184 thôn, buôn, tổ dân phố có hội trường, trong đó trên 80% buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 5 xã có nhà làng nghề truyền thống… Không chỉ đóng góp tiền của mua sắm thêm trang thiết bị cho các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cư M’gar còn  đóng góp để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường, hệ thống truyền thanh, xây dựng các câu lạc bộ, sân tập thể dục-thể thao, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, chợ, trường học, trạm y tế, nâng cấp tu bổ hệ thống giao thông liên thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp, văn minh hiện đại.
 
Nguồn nước mát từ sức dân
 
Nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi, cánh đồng buôn Triết trải dọc theo dòng Krông Ana như một dải lụa, làm “mềm” bất cứ lòng ai khi đến với mảnh đất tưởng chừng khô cằn này. 
Anh Nguyễn Văn Sanh, Chủ nhiệm HTX Thanh Bình kiểm tra trạm bơm trước khi vận hành phục vụ nước tưới sản xuất vụ đông xuân 2011-2012
Anh Nguyễn Văn Sanh, Chủ nhiệm HTX Thanh Bình kiểm tra trạm bơm trước khi vận hành phục vụ nước tưới sản xuất vụ đông xuân 2011-2012
Theo lời kể của người dân, trước đây cánh đồng này không có thủy lợi muốn làm lúa chủ yếu dựa vào nước trời và nước sông, năm nào “mưa thuận gió hòa” thì người dân được mùa, ngược lại thì mất trắng nên cuộc sống khá bấp bênh. Từ khi HTX Thanh Bình hình thành (năm 2006), tập hợp người dân lại cùng đóng góp sức người, sức của nên hệ thống thủy lợi mới được xây dựng và sản xuất bắt đầu ổn định. Tính đến nay, HTX đã xây dựng được 10 trạm bơm, trong đó có 6 trạm bơm do các xã viên và HTX đóng góp theo hình thức đầu sào và cổ phần để lắp đặt. Ngoài ra, HTX và các xã viên còn đóng góp đầu tư thêm 72 máy bơm nhỏ và kéo 1,5 km đường điện cao thế, hơn 10 km hạ thế để tưới cho những thửa ruộng chưa có kênh dẫn đến hoặc là chân ruộng cao. Tổng số tiền mà xã viên và HTX đóng góp để đầu tư cho hệ thống thủy lợi đến nay hơn 2 tỷ đồng. Theo đó, các trạm bơm và hệ thống kênh mương đã khắp cánh đồng, đem nguồn nước mát đến từng chân ruộng, kể cả những chân ruộng cao lâu nay bị bỏ hoang của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chị Trịnh Thị Miên ở đội 1, là cư dân lâu năm của buôn Triết cho biết, trước đây không có hệ thống thủy lợi, người dân mạnh ai nấy làm, sản xuất luôn gặp rủi ro vì hạn và ngập lụt. Từ khi người dân tham gia vào HTX, cùng chung sức đóng góp xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi thì việc sản xuất khoa học hơn. Chính nhờ vậy, hầu như lúa vụ nào nông dân cũng được mùa, năng suất bình quân tăng lên 75 tạ/ha (trước đây 55 tạ/ha) và thu hoạch thuận lợi hơn.
 
Anh Nguyễn Văn Sanh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ Thanh Bình (buôn Triết, xã Dur Kmăl) cho biết, những cánh đồng của buôn Triết đang trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Trong thời gian tới, HTX cùng với xã viên sẽ đóng góp để kiên cố hóa kênh mương, xây dựng các kênh tiêu úng phục vụ sản xuất lúa được ổn định.
 
 
Mở rộng đường về thôn
 
Về xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) trong dịp Xuân này, mới thấy sự đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang thì nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã giờ đây cũng đã được rải nhựa kiên cố, sạch đẹp. Điển hình nhất là tuyến đường liên thôn dài hơn 2 km tại thôn Kim Phát, mở rộng thẳng tắp nối từ chợ của thôn Kim Châu ra đến Quốc lộ 27. Trước đây, việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết còn là đường đất nhỏ, nắng bụi mưa lầy. 
Đường về thôn Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) khang trang sạch đẹp
Đường về thôn Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) khang trang sạch đẹp
Nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của bà con trong thôn, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, họ đã tự góp tiền, đất và ngày công lao động để mở rộng, nhựa hóa tuyến đường này. Ông Nguyễn Văn Đức, người dân nơi đây hồ hởi nói: “Từ khi tuyến đường trong thôn được kiên cố hóa thì việc đi lại của người dân đỡ vất vả hơn, bà con luôn phấn khởi. Từng xóm trong thôn đã tự đứng ra xây dựng mô hình nông dân tự quản đường giao thông nông thôn; đề ra quy định trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện ký cam kết để bà con không vứt rác ra đường, hay lấn chiếm lòng đường phơi rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác, thường xuyên phân công quét dọn đường sạch sẽ, phát quang bụi rậm, tạo thông thoáng, mỹ quan cho giao thông nội thôn.... Dẫn chúng tôi tham quan một số tuyến đường trong xã, ông Đinh Công Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp không giấu nổi niềm vui: “Thôn Kim Phát luôn là điểm sáng trong công tác giao thông nông thôn, được địa phương đánh giá cao về công tác bảo vệ, ý thức gìn giữ đường làng sạch đẹp và trở thành điển hình để các thôn khác học tập theo. Có được điều này, tất cả đều dựa vào sức dân, để dân tự bàn bạc và quyết định, mình chỉ có việc lắng nghe và làm theo ý kiến của dân.”
 
 
Nguyên Hoa -Thuận Nguyễn- Lê Thành
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.