Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền
Ngày làm việc thứ hai (22-5), buổi sáng dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 5 chương, 35 điều (tăng 3 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung, chỉnh lý về nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng thể hiện rõ mục đích giảm cung, không mở rộng quy mô sản xuất thuốc lá. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; các hành vi bị nghiêm cấm...
Báo cáo giải trình về tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, có ý kiến băn khoăn, lo ngại rằng, sau khi ban hành Luật, có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá, làm ảnh hưởng đến việc làm của 20.000 người sản xuất thuốc lá, gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá, nhất là ở một số địa bàn xác định thuốc lá là cây giúp xóa đói giảm nghèo và có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người tham gia bán lẻ thuốc lá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân. Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu đánh giá tác động của dự án Luật cho thấy, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá (vì vẫn phải trồng và sản xuất thuốc lá để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho những người chưa thể bỏ hút thuốc).
Về tính khả thi của các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc quy định cấm hút thuốc lá ở địa điểm công cộng, nơi làm việc. Vì trong mấy năm vừa qua, dù Thủ tướng Chính phủ đã có quy định cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra phổ biến, khó xử lý vi phạm.
Nhiều ý kiến lo ngại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Vì vậy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị giao thẩm quyền cho người đứng đầu các địa điểm công cộng được quy định và xử lý vi phạm về cấm hút thuốc thông qua nội quy, quy ước nội bộ.
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến, đó là việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Về nội dung này, đa số các ý kiến đồng ý với quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 30% diện tích vỏ bao thuốc lá, sau 5 năm thực hiện sẽ tăng dần lên 50% và có thể nâng lên mức chiếm 2/3 diện tích vỏ bao thuốc lá.
Về địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, có ý kiến cho rằng, cấm hút thuốc lá tại nhà hàng, quán bar, karaoke là không khả thi, nên cân nhắc thêm quy định này. Tuy vậy, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nên quy định cấm bán thuốc lá ở cả nhà hàng, vũ trường, karaoke.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền dưới sự điều khiển của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền.
Theo báo cáo, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là phạm vi điều chỉnh hiệu quả dự luật. Đa số nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về nội dung “tài trợ khủng bố”. Một số ý kiến đề nghị không đưa nội dung “tài trợ khủng bố” vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “tài trợ khủng bố” trong phạm vi điều chỉnh và đổi tên gọi của Luật này là “Luật phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố”.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền cần có quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý các hành vi rửa tiền cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật hình sự và dự án Luật phòng, chống khủng bố đang được chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là vấn đề thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, tránh tác động bất lợi ảnh hưởng đến các giao dịch về tài chính, tiền tệ của Việt Nam trên thế giới.
Về các hành vi bị cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc quy định các hành vi bị cấm là cần thiết, làm cơ sở để quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc kỷ luật tùy thuộc vào đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm. Nhiều luật hiện hành cũng đã có quy định theo hướng này.
Về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờ, trong dự án Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về giao dịch có giá trị lớn không chỉ đơn thuần là mức giao dịch mà thực chất là quy định về phạm vi áp dụng luật. Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ, giao dịch tiền mặt có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương thì phải báo cáo theo quy định; đồng thời, Nghị định cũng giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các mức giá trị giao dịch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.
Tuy nhiên, để linh hoạt và phù hợp hơn, đề nghị tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 2 Điều 21 của dự thảo Luật, cụ thể: “2. Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.”
Khái niệm “rửa tiền” và khái niệm về “tài sản” là vấn đề được tranh luận nhiều ở kỳ họp trước, tại báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ khái niệm về “rửa tiền” và khái niệm về “tài sản” như đã được chỉnh sửa trong dự án Luật.
Ý kiến bạn đọc