Multimedia Đọc Báo in

Những con đường từ sức dân

14:10, 26/05/2012

Triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột) đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình; nâng cao ý thức của người dân về mục tiêu “ba sạch”: sạch nhà, sạch ngõ và sạch đường;  vận động nhân dân bỏ công lao động, hiến đất làm đường, trên cơ sở cái cũ để nâng cấp, cải tạo thành cái mới và dựa vào sức dân là chủ yếu…

Với cách làm đó, chỉ trong thời gian chưa đầy nửa năm sau khi ra quân phát động xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn xã Ea Kao đã có hàng chục con đường được nâng cấp, nhiều con đường lầy lội, nhỏ hẹp trước đây nay trở thành đường cấp phối sạch sẽ, không ít con đường được bê tông hóa kiên cố, rộng rãi… 

Hộ ông Phan  Văn Nam, thôn 2,  xã Ea Kao đã dỡ bỏ toàn bộ  bờ rào  và cổng  nhà để  làm  đường.
Hộ ông Phan Văn Nam, thôn 2, xã Ea Kao đã dỡ bỏ toàn bộ bờ rào và cổng nhà để làm đường.

Thôn 2, xã Ea Kao có địa bàn khá rộng, người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất cà phê và hoa màu. Hầu hết các con đường trong thôn là đường đất, nhỏ hẹp, quanh co, lầy lội về mùa mưa, bụi mù về mùa khô, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của bà con, nhất là vào những ngày thu hoạch mùa màng.  Sau khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, được xã, ban tự quản thôn tuyên truyền mục đích ý nghĩa của chương trình, bà con trong thôn đã rất phấn khởi, coi đây là bước đột phá để đổi mới bộ mặt quê hương, và cái mới đó trước hết thể hiện ở đường giao thông nông thôn. Không trông chờ ỷ lại, người có công thì góp công, người có của thì góp của để tập trung làm đường. Tính đến nay, bà con thôn 2 đã tự góp công, góp của nâng cấp, mở rộng được 3 con đường ngang dọc trong thôn với tổng chiều dài hơn 3 km, rộng 8 mét (trước đây chỉ rộng 3 mét). Tại tuyến đường chính dài hơn 1,5 km có 33 hộ sống hai bên đường đã đồng thuận đóng mỗi hộ 1 triệu đồng, tự nguyện hiến hơn 1 ha đất, chặt bỏ hơn 1.000 cây cà phê kinh doanh, hàng trăm cây ăn trái, và dỡ bỏ tường rào, cổng nhà để thực hiện phong trào chung của xã. Ông Phan Văn Nam, một người dân trong thôn cho biết: “Vì lợi ích chung của thôn xóm, gia đình tôi sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất và dỡ bỏ toàn bộ vật kiến trúc như bờ rào, cổng nhà trị giá hơn 30 triệu đồng để làm đường”.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Ea Kao đã xuất hiện rất nhiều hộ như gia đình ông Nam.  Trong đó có không ít hộ còn khó khăn  nhưng khi có chủ trương mở đường, họ đã sẵn sàng hiến cả đất, dỡ bỏ các vật kiến trúc một cách vô tư... để góp phần làm cho các con đường rộng, thẳng, khang trang.

Các cấp ủy, chính quyền xã Ea Kao rất quan tâm, sát cánh với người dân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Để giúp bà con các thôn, buôn làm đường, UBND xã đã cắt cử cán bộ về đo đạc, phóng tuyến, thiết kế phù hợp với quy hoạch, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ… Cụ thể, tại thôn 2, Công ty TNHH Một thành viên Sửa chữa cầu đường Dak Lak đã hỗ trợ miễn phí máy gạt và 1 thợ san ủi đường giúp bà con làm đường. 

Với cách làm này, tin rằng trong thời gian tới, xã Ea Kao sẽ tiếp tục có nhiều “con đường của lòng dân” như thế. Phong trào này không chỉ được triển khai sôi nổi ở thôn 2 hay thôn 4, mà còn được nhân rộng ở các thôn, buôn khác,  góp phần vào hiệu quả của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.   

Xuân Hậu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.