Multimedia Đọc Báo in

Quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 - Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay:

Lâu đài và nhà tranh

09:17, 25/05/2012

Ngày 27 tháng 2 năm 2012 vừa rồi, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng chí Tổng Bí thư BCH Trung ương có bài phát biểu trực tiếp quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954.
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954.

Bài phát biểu đề cập nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đoạn đồng chí nói đến tình hình mới trong nội bộ Đảng. Đồng chí nói “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động, liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?" Nhà triết học cổ điển Đức Phơ-bắc cũng từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người trong nhà tranh. Nhận xét đó tôi cũng đã từng biết, nhưng với thực tiễn hiện nay, phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư lại gợi cho tôi nhớ tới một số chuyện có thể chắp nối với nhau để nghĩ về Lối sống, Phong cách sống của cán bộ, đảng viên chúng ta. Tôi hiểu là mỗi thời một khác, đời sống cán bộ hoạt động thời kỳ bí mật, chiến tranh, hòa bình đều khác, đồng thời không nên đề xướng lối sống khổ hạnh, ép xác, nhưng cuộc sống, lối sống của người cán bộ, đảng viên không bao giờ xa cách với cuộc sống của nhân dân để có sự đồng cảm với nhân dân và chân lý mãi mãi đúng.

Còn nhớ vào năm 2000, không nhớ vào tháng mấy, tôi được đọc một báo cáo của UNDP (Chương trình phát triển của Tổ chức Liên hiệp quốc). Báo cáo đề cập nhiều vấn đề kinh tế, xã hội của thế giới vào cuối thế kỷ 20, nhưng có một nhận xét mà tôi nhớ mãi. Đó là câu: “Đi xe hơi thì không bao giờ gặp được người nghèo”. Theo sự giải thích của nhóm biên tập báo cáo thì người nghèo không có điều kiện để ở những nhà ven đường cái ô-tô đi lại được, họ phải vào sâu mãi trong vùng heo hút, muốn gặp họ thì phải lội bộ không ngắn. Nhận xét đó không biết từ khảo cứu ở đâu trên thế giới nhưng ngẫm lại để đối chiếu với tình hình ở ta thì về cơ bản cũng đúng, và người nghèo không có tiền để mua hoa vẫy chào quan khách đến thăm và tìm hiểu tình hình!

Rồi lại nhớ tới cuộc sống của Bác Hồ chúng ta. Cuộc sống giản dị của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng thì mọi người đều rõ, không cần nói thêm. Chỉ nói về sự nhận xét của các bậc trí thức nước ngoài về Người. Cũng nhiều lắm, đã dịch ra tiếng Việt in trong mấy quyển sách dày đến vài trăm trang cũng không phải mọi người không biết. Chỉ xin trích ra đây mấy câu thơ của nhà thơ Cu-ba nổi tiếng Phê-lích Pi-tơ Rô-đri-ghết:

“Bởi vì Người đói cơn đói ngày xưa

Vì Người đã chết hai triệu lần năm Bốn nhăm khủng khiếp (*)

Bởi vì Người đã mặc lên người tấm áo xác xơ

Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của mọi người dân đất nước

Bởi Người đã chất chứa nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực”.

Trong những bài thơ của các thi sĩ nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ này là một trong những bài thơ hay, nói lên cảm xúc chân thật trước hình ảnh con người dù quyền cao chức trọng vẫn sống cuộc sống của người dân bình thường để luôn luôn nghĩ về nhân dân, của người đảng viên chân chính - Hồ Chí Minh mà chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Hữu Thọ

(*) Liên hệ với nạn chết đói hai triệu người năm Ất Dậu - 1945.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.