Ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Cần quan tâm đến việc thực hiện lời hứa sau khi trả lời chất vấn
Hôm (28-5), tại phiên thảo luận tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của QH, trước tiên phải đổi mới các khâu trong cả hệ thống. Một số đại biểu nhấn mạnh, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì, thẩm tra các dự án luật.
Bởi lẽ, thời gian qua, công tác soạn thảo và thẩm tra còn hạn chế, nhiều dự án luật chậm trễ, chuẩn bị chưa thực sự tốt nên khi đưa ra QH, chất lượng chưa cao. Liên quan đến các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến về các dự án luật, có đại biểu cho rằng, khi ủy ban của QH gửi báo cáo đến các đoàn đại biểu, đại biểu cần gửi kèm thống kê các ý kiến để các đại biểu biết ý kiến nào được tiếp thu sửa đổi, ý kiến nào chưa, hay đã được tiếp thu nhưng không giải trình.
Theo một số đại biểu, điều mà đại biểu QH cũng như cử tri quan tâm là hậu chất vấn. Do đó, việc đổi mới hoạt động QH cũng phải tạo cơ chế đảm bảo thông tin về việc thực hiện lời hứa sau khi trả lời chất vấn. Cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của Mặt trận các tỉnh trong tiếp xúc cử tri, các tổng hợp báo cáo kiến nghị của cử tri cần đồng bộ, tránh sự lệch pha. Cùng với đó là trách nhiệm tham gia của chính quyền các cấp, các ngành về tiếp thu kiến nghị và xử lý vấn đề được kiến nghị tại địa bàn. Ngoài ra, việc tiếp dân, xử lý đơn thư kiến nghị của công dân phải làm thường xuyên, nếu không sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH cũng đề xuất tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để đại biểu QH tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu QH quan tâm. Gắn nội dung tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với việc chuẩn bị kỳ họp QH , hoạt động của QH, các cơ quan của QH.
Thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu QH; bảo đảm để đại biểu QH trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính; Tăng cường tiếp xúc trực tiếp; phân định trách nhiệm giải quyết kiến nghị của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Có kế hoạch theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, bảo đảm để mọi kiến nghị của cử tri dù được giải quyết hay chưa được giải quyết đều được trả lời công khai, đúng thời hạn luật định
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc