Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ nói về phê bình và tự phê bình

08:51, 01/06/2012

"Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ "Cộng sản" mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức".

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng, Người nói: "Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Bác lại nói: "Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ "Cộng sản" mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức".

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết tháng 10-1947 cách đây đã hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã nói "Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả, điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư". Cũng ở cuốn sách này, người chỉ rõ "thang thuốc tốt nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình".

Trong những cuộc nói chuyện và cán bộ lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, với đảng viên trong các lớp chỉnh huấn, với các anh hùng mới được tuyên dương, nói chuyện với công nhân trí thức, văn nghệ sĩ hoặc thăm các địa phương... ở đâu Bác cũng nhắc nhở đến việc trau dồi đạo đức cách mạng và vấn đề phê bình và tự phê bình. Bác nói: "Đảng viên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam,  tháng 9-1960.                                                                                            Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9-1960. Ảnh: Tư liệu

Người chỉ rõ: "Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng.

Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, có như thế có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, lúc đó không cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi rửa mặt...".

Bác Hồ coi những thứ bệnh quan liêu, tham nhũng, ích kỷ, hẹp hòi...là những kẻ địch bên trong và Người nói: "Mỗi kẻ địch bên trong là người bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy ta phải hết sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những thứ bệnh đó".

Có lần Bác lại nói: "Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là phê bình và tự phê bình". Phê bình và tự phê bình quan trọng như vậy, nhưng nhiều nơi nhiều lúc chúng ta chưa làm tốt, hoặc có đề ra nhưng lại làm một cách qua loa, chiếu lệ, nể nang, xuề xoa cho xong...

Trong phê bình còn thiếu dân chủ, cấp dưới không dám thẳng thắn phê bình cấp trên. Cấp trên có nơi không lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Thậm chí còn trù úm, trả thù, coi đó là luận điệu của kẻ xấu. Trong nhân dân và cán bộ có câu nói :"Đấu tranh rồi tránh đâu”. Những điều đó làm cho việc phê bình và tự phê bình không được đến nơi đến chốn, có khi biến thành một việc hình thức.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, năm 1950, Bác Hồ đã nói: "Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm, có lỗi mà không vạch ra, không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc...Vạch khuyết điểm để sửa chữa, cũng phải nêu ưu điểm để phát huy. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp nhất là cấp cao phải noi gương trước".

Nhân ngày thành lập Đảng 3-2-1969, Bác viết bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Trong bài báo đầy tâm huyết và nỗi ưu tư ấy, Bác viết: "Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng gái cũng như trai rất hăng hái dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế. Song bên cạnh những đồng chí ấy, còn có số ít cán bộ đảng viên mà đạo đức và phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo: "Mình vì mọi người" mà chỉ muốn ”Mọi người vì mình". Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem thường quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, họ không có tinh thần vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Cũng trong bài báo cuối cùng này Người chỉ rõ: "Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên, phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ đảng viên..."

Trong bản Di chúc của mình, Bác căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Bác căn dặn chúng ta: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Những lời dạy của Bác rất thiết thực với chúng ta, nhất là trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng chỉnh đốn Đảng và trong công cuộc đưa đất nước ta trở thành một nước giàu đẹp như mong ước của Người. Ngày nay khi nhắc đến phê bình, chúng ta lại nhắc đến bài thơ của Bác:

"Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công".

Nguồn TCTG


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.