Các bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri Dak Lak
I.ỦY BAN TƯ PHÁP
Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung các quy định về việc tham gia trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các văn bản pháp luật liên quan như: Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự… khắc phục tình trạng hiện nay trong các Bộ luật này chưa đề cập đến việc tham gia trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, cơ chế cụ thể về việc trao đổi thông tin về kết quả tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng chưa được quy định tại bất kỳ văn bản nào, gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động này tại địa phương.
Trả lời:
Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp thấy rằng, việc tham gia trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã được từng bước cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: khoản 2 Điều 63 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) đã bổ sung quy định những người được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Điều 55 Luật Tố tụng Hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) cũng quy định: người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bao gồm Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, đồng thời quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng này trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tuy nhiên, đúng như ý kiến của cử tri phản ánh, hiện tại, Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định việc cho phép Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền, lợi ích cho bị can, bị cáo và các đương sự trong vụ án hình sự. Trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý vấn đề này để có những quy định cụ thể về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo và đương sự trong vụ án hình sự và bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
II. BỘ NỘI VỤ
Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Trung ương sớm quyết định điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã (05) thuộc các huyện Krông Bông, Krông Pak, Buôn Đôn, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Dak Lak đã được tỉnh trình Chính phủ năm 2009;
Đề nghị Bộ Nội vụ sớm cho chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ea Kar, tỉnh Dak Lak để thành lập thị xã Ea Kar (thị trấn Ea Kar đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV năm 2008.
Trả lời:
Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã (thông báo số 299/TB-VPCP ngày 24-9-2009 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Nội vụ nhận được Tờ trình số 54/TTr-UBND ngày 25-8-2009 của UBND tỉnh Dak Lak đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính các xã, phường thuộc các huyện: Krông Bông, Krông Pak, Buôn Đôn, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột để thành lập đơn vị hành chính mới cấp xã và Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 21-10-2009 của UBND tỉnh Dak Lak về việc xin chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ea Kar, tỉnh Dak Lak để thành lập thị xã Ea Kar.
Nghiên cứu các Tờ trình nêu trên của UBND tỉnh Dak Lak, Bộ Nội vụ nhận thấy các tiêu chí tỉnh Dak Lak đề xuất việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện, xã, phường để thành lập đơn vị hành chính mới cấp huyện, cấp xã chưa thật sự phù hợp với quy định tại Quyết định số 64b/HĐBT ngày 12-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về điều chỉnh địa giới hành chính đối với những huyện, xã có địa giới chưa hợp lý.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Dak Lak và sẽ cử cán bộ đi khảo sát thực địa để có cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Nội vụ sẽ đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã và việc thành lập thị xã theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 299/TB-VPCP nêu trên của Văn phòng Chính phủ và quy định tại Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26-7-2011 của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn.
III. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Qua theo dõi tin tức trên truyền hình, tại Lễ khai giảng năm học mới diễn ra trong cả nước, các trường đã thả một lượng bóng bay khá lớn lên bầu trời, việc làm này vừa gây lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường. Cử tri đề nghị ngành giáo dục cần có chỉ đạo hạn chế tình trạng này với tinh thần vừa đảm bảo ý nghĩa, vừa tránh lãng phí.
Trả lời:
Hằng năm, từ tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục về triển khai một số nhiệm vụ chuẩn bị khai giảng năm học trong đó có chỉ đạo cả nội dung Lễ Khai giảng. Thời gian gần đây Lễ khai giảng được tổ chức có cả phần Lễ và phần Hội, phần nghi Lễ trang trọng và phần Hội tạo không khí vui tươi phấn khởi cho học sinh và giáo viên bước vào năm học mới. Trong chỉ đạo chung, Bộ có yêu cầu “các nhà trường tùy thuộc vào điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn có tác dụng thiết thực đối với giáo dục đạo đức học sinh…”.
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Dak Lak, tại Lễ khai giảng năm học mới, các nhà trường đã thả một lượng bóng bay khá lớn lên bầu trời, việc làm này gây lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị trường học về việc này khi hướng dẫn khai giảng năm học tiếp theo.
IV. BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
1.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Chính phủ quy hoạch bổ sung sân golf TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak vào quy hoạch cung của cả nước.
Trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 7005/VPCP-ĐP ngày 1-10-2010 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan (gồm đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ và một số Vụ, Viện thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh tại một số địa phương về tình hình thực hiện Quy hoạch Sân golf Việt Nam theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 29-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đúng các tiêu chí và điều kiện hình thành sân golf là quy hoạch xây dựng sân golf giữa các vùng miền cho phù hợp, theo hướng sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa 1 vụ năng suất thấp), đất màu, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để đầu tư xây dựng sân golf. Với tinh thần trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định bổ sung 1 sân thuộc tỉnh Dak Lak vào Quy hoạch sân golf cả nước đến năm 2020, cụ thể đối với tỉnh Dak Lak: Với TP. Buôn Ma Thuột là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của Tây Nguyên, hiện nay cả tỉnh chưa quy hoạch một sân golf nào, đề nghị bổ sung vào quy hoạch sân golf hồ Ea Kao với diện tích khoảng 100 ha, không có đất lúa, đất màu và đất rừng phòng hộ.
2.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Với mức vốn hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì việc đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số điểm của Quyết định này.
Trả lời:
Căn cứ điều kiện khó khăn của tỉnh Dak Lak, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí tập trung vốn hỗ trợ từ ngân sách TW để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Tại văn bản số 7407/TTr-BKHĐT ngày 31-10-2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ ngân sách Trung ương cho xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, trong đó có tổng hợp những khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp ở các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Về kiến nghị của cử tri sửa đổi, bổ sung Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận ý kiến của cử tri và đề xuất Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm thích hợp.
3.Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Việc cấp kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn chậm, thường là giữa năm, lúc đó tại tỉnh Dak Lak đang là mùa mưa nên việc triển khai qua hình thức trợ giúp pháp lý lưu động gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn phân tán, dẫn đến các chế độ hỗ trợ còn chồng chéo… Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng thống nhất các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện; đồng thời, sớm phân bổ kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đạt hiệu quả.
Trả lời:
Năm 2011, 2012 là những năm đầu của giai đoạn 2012-2015, việc giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia phải trên cơ sở Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 được Quốc hội thông qua (trong đó có Chương trình Giảm nghèo bền vững). Tuy nhiên, đến tháng 11-2010, Quốc hội mới thông qua Danh mục 15 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011; và tháng 11-2011, quốc hội mới thông qua Danh mục 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; do vậy việc giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia của hai năm 2011, 2012 bị chậm so với kỳ giao kế hoạch hằng năm.
Từ năm 2012-2015, khi từng Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia sẽ thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
V. BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Cử tri tỉnh Dak Lak kiến nghị: Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cho 2 huyện biên giới đặc biệt khó khăn là Buôn Đôn và Ea Súp và 3 huyện đặc biệt khó khăn: Lak, Krông Bông và M’Drak theo cơ chế Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Trả lời:
Trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực để thực hiện các chính sách xóa đói – giảm nghèo trên phạm vi cả nước, trong đó đặc biệt ưu tiên những xã, huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020, những xã nghèo, gồm: xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới và xã an toàn khu sẽ được thực hiện một số chính sách đặc thù như: ưu tiên đầu tư trước để hoàn thành, đạt chuẩn theo tiêu chí của Chương trình nông thôn mới đối với cơ sở trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; ưu tiên đầu tư trước để đạt chuẩn các công trình hạ tầng cơ sở theo tiêu chí Chương trình nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đạo, xã an toàn khu; mở rộng chương trình quân dân y kết hợp; xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng để hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo trên địa bàn biên giới; tăng cường bộ đội biên phòng về đảm nhiệm vị trí cán bộ chủ chốt ở các xã biên giới…
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo của chuẩn nghèo mới được thực hiện cuối năm 2010, cả nước có hơn 20 huyện (ngoài danh sách 62 huyện nghèo thuộc Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp danh sách báo cáo Chính phủ cho chủ trương và các giải pháp chỉ đạo về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Thời gian trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các tỉnh tập trung huy động nguồn lực của địa phương, vận dụng đúng các cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP cho các huyện nghèo trong tỉnh để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc