Multimedia Đọc Báo in

Đội hùng binh Hoàng Sa ở Lý Sơn

09:18, 30/07/2012

Với người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi), mũi thuyền của họ vẫn không ngần ngại hướng về Hoàng Sa, dù nơi ấy hiểm nguy luôn rình rập, bởi họ có một lý lẽ giản dị: “Biển đảo Hoàng Sa của ông bà tổ tiên để lại làm sao phải sợ!”. Và còn bởi họ là hậu duệ của Đội hùng binh Hoàng Sa lừng lẫy hơn 300 năm trước từng giong buồm chinh phục biển cả, gìn giữ xứ Hoàng Sa.

Cù lao Ré

Cách đất liền 18 hải lý, đảo Lý Sơn không chỉ được biết tới bởi có loại đặc sản tỏi nức tiếng, mà trong lòng vùng đất đảo khắc nghiệt còn ẩn chứa những kỳ tích về lịch sử, trầm tích về văn hóa. Tên “sơ sinh” của đảo Lý Sơn là Cù lao Ré. Truyền thuyết của người Cor miền núi phía tây Quảng Ngãi kể rằng, từ thuở hồng hoang sau cơn rùng mình của tạo hóa, một dãy núi đất đai của họ rạn nứt tách văng ra biển thành đảo Lý Sơn bây giờ. Người Lý Sơn cho rằng, “cơn rùng mình” hàng triệu năm trước là do 5 ngọn núi khạc lửa phun nham thạch tạo nên. Hiện 5 ngọn núi lửa trên đảo vẫn hiện hữu vẹn nguyên, đó là: núi Thới Lới, núi Vung, núi Giếng Tiền, núi Tai và núi Sỏi; trong đó miệng núi lửa Thới Lới trở thành hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cư dân trên đảo. Lý Sơn còn một đảo Bé không có hồ chứa nước, hơn một trăm hộ dân đảo Bé vẫn sống trong tình trạng thiếu nước ngọt, mỗi hộ phải xây một cái bể đón nước mưa dè dặt dùng cả năm.

Một khu dân cư ven cảng trên đảo Lý Sơn.                                  Ảnh: T.L
Một khu dân cư ven cảng trên đảo Lý Sơn.  Ảnh: T.L

Cái tên Cù lao Ré xuất hiện từ bao giờ không ai biết. Chỉ biết rằng hòn đảo này xưa kia rặt có dây ré mọc hoang, khi con người xuất hiện gọi Cù lao Ré, thành tên. Vậy con người có mặt trên hòn đảo này từ bao giờ? Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã đề cập đến việc chinh phục Hoàng Sa của người dân vùng Sa Kỳ - Lý Sơn vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 (1600) khi Chúa Nguyễn Hoàng trấn nhậm phương Nam. Nghĩa là cha ông ta thời ấy giong buồm vượt biển khơi đặt chân lên Bãi cát vàng (Hoàng Sa) đã lấy Lý Sơn làm “trạm tiếp sức” cả về lương thảo lẫn lực lượng trai tráng đầy kinh nghiệm đương đầu với sóng gió  biển cả.

Chúng tôi ngồi trên chuyến tàu khách cao tốc đến đảo Lý Sơn. Chỉ một giờ đồng hồ vượt sóng, chúng tôi đã đặt chân lên đảo. Được biết, loại tàu khách này cũng mới có vài năm nay, từ khi người ta phát hiện ra những tập tài liệu Hán Nôm khẳng định Đội hùng binh, những cư dân “thủy nguyên” trên đảo Lý Sơn đã có công đi quản lý, canh giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Còn trước đó, việc thông thương giữa đảo với đất liền chỉ có tàu chợ, người chèn với hàng, với heo gà…máy nổ ì ạch, dùng dằng với sóng phải 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tự dưng tôi liên hệ tới những thủy quân thời Nguyễn ngày ấy, đợi gió căng buồm ra Lý Sơn, rồi từ Lý Sơn giong buồm tuần tra Hoàng Sa, Trường Sa thời gian bao lâu?

Hoàng Sa trong lòng người Lý Sơn

Dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn có một nhân vật trở thành giai thoại của đất Lý Sơn là ông Đặng Siểm. Ông từng được quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi cấp phong làm “đà công” (dẫn đường) cho “đội hùng binh” lừng lẫy một thời gìn giữ xứ Hoàng Sa. Thật may mắn, anh cán bộ Phòng Văn hóa Lý Sơn Đặng Duy Tân dẫn chúng tôi thăm đảo suốt thời gian ở Lý Sơn lại là hậu duệ của ông Đặng Siểm. Anh Tân tận tình hướng dẫn và đưa chúng tôi tới viếng thăm những ngôi mộ, thắp hương cho những chiến binh Hoàng Sa. Trước căn nhà thờ tự là những ngôi mộ của chiến sĩ hùng binh Hoàng Sa, người ta gọi đó là những ngôi mộ gió. Tôi băn khoăn với cái tên gọi “mộ gió” nhưng rồi cũng hiểu ra. Theo lệnh Gia Long đệ nhị niên, mỗi chi phái dòng họ lớn phải tuyển một người đi canh giữ xứ Hoàng Sa, trong số những người trong hải đội Hoàng Sa có những tên tuổi trở thành anh hùng của quê hương Quảng Ngãi như ông Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh… Các ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên biển khơi, quê hương dòng tộc đã làm lễ chiêu hồn và đắp những ngôi mộ mà phía trong là sọ dừa… thay cho hài cốt.

Lại nói về dòng họ Đặng, đời này qua đời khác truyền nhau gìn giữ chiếc rương gỗ là vật gia bảo của tổ tiên, trong đó là những tập giấy tờ bằng chữ Hán Nôm, chẳng ai biết nội dung là gì, chỉ biết rằng đó là thứ liên quan đến dòng tộc tổ tiên nên có trách nhiệm bảo quản, và giao cho tộc trưởng gìn giữ. Hiện thời ông Đặng Lên đang là người thay mặt dòng họ bảo quản cái rương của tổ tiên đó. Quy định của dòng họ thì cứ 20 năm mở rương gỗ một lần để kiểm tra xem có mối mọt gì không, theo định kỳ thì phải năm 2019 mới đúng kỳ kiểm tra. Ấy vậy mà năm 2009, chiếc rương gia bảo đột ngột được mở ra trước mười năm. Theo ông Đặng Lên, linh cảm mách bảo những tập tài liệu của dòng họ mà ông đang lưu giữ có gì đó liên quan tới chủ quyền biển đảo, sứ mệnh của quốc gia chăng? Không kìm được sự thôi thúc trách nhiệm với đất nước, ông Đặng Lên xin phép dòng tộc làm lễ mở rương trước thời hạn. Không ngờ linh cảm của ông tộc trưởng họ Đặng đúng thật, sau khi nhờ người dịch tập tài liệu Hán Nôm mới bàng hoàng: tập tài liệu trong rương là những tờ lệnh điều binh phu ra Hoàng Sa năm 1834, trong đó có tờ lệnh giao cho ông Đặng Siểm làm đà công… Vậy là không những dòng họ Đặng, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mà cả nước rồi cả thế giới biết tới Đội hùng binh Hoàng Sa, tài liệu đó được coi như một trong những bằng chứng quan trọng về chủ quyền của Việt Nam đối với xứ Hoàng Sa. Sau những tập tài liệu quý của dòng họ Đặng, các dòng họ khác trên đảo cũng lần lượt phát hiện các tài liệu tương tự như: dòng họ Nguyễn Quang có 25 tập, họ Trần Dư có 23 tập, tất cả bằng chữ Hán Nôm của các triều đại phong kiến cấp cho những “thủy quân” trên đảo Lý Sơn đã có công đi quản lý, canh giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.

Hiện những hiện vật quý liên quan tới biển đảo nước ta được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi; tại Lý Sơn cũng có một nhà trưng bày. Tất cả đã chứng minh không thể chối cãi về chủ quyền xứ Hoàng Sa gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tài liệu năm Minh Mệnh thứ 17, Thanh Đạo Quang năm thứ 16, Bộ Công tâu lên Vua: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu, đã phải vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi. Hằng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay (1834) trở về sau mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng chọn Phái biền binh thủy quân và Vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa… Vua y lời tâu, sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn bị mang theo 10 bài gỗ, mỗi bài dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, đến nơi đó dựng làm dấu ghi…”.

Theo báo cáo của huyện đảo Lý Sơn: “…Trong 6 tháng đầu năm nay vẫn còn xảy ra tình trạng ngư dân đi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa bị tàu nước ngoài bắt giữ và tịch thu tài sản. Cụ thể có 3 tàu, 44 ngư dân bị phía Trung Quốc xua đuổi, đập phá tài sản; 2 tàu và 21 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản…”. Những ngư dân Lý Sơn biết sự nguy hiểm rình rập, nhưng họ vẫn hướng mũi thuyền ra Hoàng Sa, bởi họ có một lý lẽ giản dị: “Biển đảo của ông cha mình để lại thì mình phải biết khai thác gìn giữ, làm sao mà bỏ được!”. Chân lý đó cũng như những tập tài liệu của cha ông để lại, họ ưỡn căng lồng ngực như cha ông - đội hùng binh Hoàng Sa lừng lẫy một thời từng giong buồm căng gió đi chinh phục biển cả khẳng định chủ quyền phần biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Liên


Ý kiến bạn đọc