Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN (20-7-1962 – 20-7-2012)

Phát huy truyền thống vẻ vang, lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới

06:17, 18/07/2012

Cách đây 50 năm, vào ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong suốt chặng đường chiến đấu, xây dựng, trưởng thành và là cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Từ đó, ngày 20-7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm diễn tập phương án đánh chiếm mục tiêu, giải cứu con tin, bắt giữ bọn khủng bố.            Ảnh: Trọng Tính
Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm diễn tập phương án đánh chiếm mục tiêu, giải cứu con tin, bắt giữ bọn khủng bố. Ảnh: Trọng Tính

Ra đời trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt, nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam là làm Cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ đặc thù này, lực lượng Cảnh sát nhân dân Dak Lak vẫn chưa hoạt động độc lập, thực hiện nhiệm vụ theo Pháp lệnh mà vẫn phải căn cứ vào tình hình thực tế để tập trung thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó. Tháng 10-1964, Ban An ninh Dak Lak được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban An ninh B3 và B5, trong cơ cấu tổ chức có bộ phận Bảo vệ vũ trang là nền tảng cho việc phát triển lực lượng Cảnh sát nhân dân Dak Lak sau này. Từ năm 1964-1975, Ban An ninh đã tập trung xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở mật khắp các địa bàn trong tỉnh, vượt qua nhiều hy sinh gian khổ, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng xả thân để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng và tài sản tính mạng của nhân dân, lập nên nhiều chiến công nổi bật như: đánh bại Kế hoạch Phượng Hoàng, phá vỡ mạng lưới tình báo con thoi của địch; phối hợp với các lực lượng vũ trang của tỉnh tham gia chiến dịch đánh địch ở cứ điểm Đức Lập, Buôn Hồ, Phú Bổn… phá hàng loạt ấp chiến lược, bắt nhiều tên có tội ác với nhân dân; chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để bộ đội chủ lực tiến công giải phóng Thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh đổ hoàn toàn chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Dak Lak đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách lớn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, trật tự xã hội hết sức rối ren, phức tạp… Trước tình hình đó, các tổ, đội Cảnh sát nhanh chóng được thành lập để tiếp quản các mục tiêu quan trọng; thu hồi, quản lý hồ sơ tài liệu địch để lại; trấn áp số tàn quân ngụy quyền còn lẩn trốn và đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm, bắt giữ các đối tượng hình sự nguy hiểm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký quản lý hộ khẩu, quản lý đối tượng sưu tra, kiểm soát các phương tiện, hàng hóa; thu gom, bảo quản vật liệu cháy nổ, vũ khí… Với tinh thần quyết tâm cao, ý chí tiến công tội phạm kiên quyết, lực lượng Cảnh sát nhân dân, Công an tỉnh đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết thống nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tổ chức nhiều đợt truy quét tội phạm hình sự, bắt hàng nghìn tên tội phạm hình sự; bắt 972 đối tượng hoạt động tệ nạn xã hội; 120 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn về kinh tế.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Lực lượng Cảnh sát đã tích cực, chủ động  cải tiến, đổi mới các biện pháp công tác, nêu cao tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, không để chúng hoạt động công khai, trắng trợn gây tâm lý bất ổn trong nhân dân. Lực lượng Cảnh sát đã làm tốt chức năng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác phòng chống tội phạm về hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường, quản lý hành chính về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; đặc biệt đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm mua bán người, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính trong 5 năm 2007-2011, lực lượng Cảnh sát nhân dân, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 844 vụ, 1.117 đối tượng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, thu hồi tài sản khoảng 60 tỷ đồng; điều tra làm rõ 4.611/6.210 vụ án xâm phạm trật tự xã hội, bắt giữ 5.933 đối tượng, thu hồi trên 18 tỷ đồng; đã xác lập nhiều chuyên án, đấu tranh triệt phá 285 băng, nhóm với trên 1.500 tên trộm cắp hoạt động liên tỉnh, cướp, cố ý gây thương tích, cờ bạc…; phát hiện, bắt giữ 349 vụ, 563 đối tượng phạm tội về ma túy. Tai nạn giao thông được giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp làm việc nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho tổ chức và công dân trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội.

Với những thành tích đạt được, lực lượng Cảnh sát đã góp phần cùng toàn Công an tỉnh được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 17 Huân chương Độc lập; 6 Huân chương Quân Công; 329 Huân chương Chiến Công; 28 Huân chương Giải Phóng; 117 Huân chương Quyết Thắng; 280 Huân chương Kháng Chiến; 25 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc... Có thể khẳng định rằng, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đều có sự đóng góp quan trọng của Công an tỉnh nói chung và của Lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân luôn là những người lính xung kích trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Giữa thời bình, máu của những người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Sự cống hiến, hy sinh đó đã tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao, ghi nhận lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, sự hy sinh và những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta.

Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng với quốc tế, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi chúng ta đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội, tham nhũng tiêu cực, đạo đức xã hội xuống cấp, lối sống thực dụng len lỏi sâu vào một bộ phận cán bộ, đảng viên... đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Lực lượng Cảnh sát nhân dân Dak Lak ra sức học tập, thấm nhuần và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 – Khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chuyển thành hành động thực tiễn theo lời dạy của Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền đề ra các chủ trương, giải pháp toàn diện trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; phát động và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và quản lý, giáo dục người có lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, xây dựng thế trận an ninh nhân dân sâu rộng làm nền tảng cho đấu tranh phòng chống các loại tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 21, 48/CT-TW của Bộ Chính trị và các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người. Tăng cường công tác dự báo để có những đề án, phương án phù hợp; tập trung đấu tranh những loại đối tượng mới, đối tượng ở các địa bàn và các lĩnh vực trọng điểm. Nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Tiếp tục làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về trật tự; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp công tác trên tất cả các lĩnh vực: quản lý cư trú, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy… theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng và lực lượng Công an toàn tỉnh luôn trong sạch, vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá Trần Kỳ Rơi

Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Giám đốc Công an tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.